Category Archives: Y Học Phổ Thông

Paracetamol – xin chớ lạm dụng!

Paracetamol là một thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng rộng rãi nhất, hiện có trên 100 sản phẩm thuốc khác nhau có chứa paracetamol. Đây là một thuốc nói chung an toàn, nhưng khi dùng quá liều có thể gây ngộ độc, chủ yếu là gây hoại tử tế bào gan.

1. Quá trình chuyển hóa

Với liều điều trị, sau uống khoảng 1 giờ thuốc được hấp thu hoàn toàn. Khi dùng quá liều, thuốc được hấp thu hết sau 4 giờ, ngoại trừ khi bệnh nhân uống đồng thời các thuốc làm chậm quá trình rỗng dạ dày và khi thuốc ở dạng giải phóng chậm thì thời gian hấp thu lâu hơn..

Thuốc được chuyển hoá ở gan với một tốc độ đều đặn. Quá trình chuyển hoá thuốc là căn nguyên dẫn đến ngộ độc. Paracetamol là một trường hợp hiếm hoi về tình trạng nhiễm độc thuốc do gan (ngược hẳn với hoạt động khử độc bình thường của gan). 90% thuốc được chuyển hoá theo con đường sunphat hoá và glucuronit hoá, phần còn lại được hệ enzym cytochrome P-450 chuyển hoá nốt (hệ này chủ yếu ở gan).

Hoạt động chuyển hoá phụ thuộc theo tuổi, ở tuổi càng nhỏ thì chuyển hoá theo con đường sunphat càng nhiều, đến 12 tuổi thì chuyển hoá paracetamol ở trẻ em giống người lớn. Một chất chuyển hoá do hệ enzym cytochrome P-450 giải phóng là N-acetyl-p-benzoquinoneimine (NAPQI) gắn với màng tế bào gan và nếu không bị trung hoà bởi các chất chống ôxy hoá thì sẽ gây tổn thương lớp màng lipid kép của tế bào.

Glutathione của gan là chất chống ôxy hoá chủ yếu, chất này gắn và trung hoà NAPQI. Khi quá liều paracetamol thì kho dự trữ glutathione bị cạn kiệt dần và nếu thiếu hụt mất trên 70% số lượng bình thường thì NAPQI không bị trung hoà và sẽ gây tổn thương cho tế bào gan.

Về mặt lý thuyết, tất cả các chất ảnh hưởng hệ enzym này đều ảnh hưởng đến lượng NAPQI tạo ra. Các chất có thể gây cảm ứng với hệ enzym này bào gồm ethanol, INH, rifampin, phenytoin, carbamazepine, khói thuốc lá và thực phẩm hun bằng than củi..

Những người dùng thuốc chống động kinh kéo dài, nghiện rượu, dùng thuốc chống lao kéo dài có diễn biến của quá liều paracetamol tồi hơn đối tượng khác. Trẻ em dưới 5 tuổi tỏ ra có khả năng đề kháng với các tác dụng độc của paracetamol, nguyên nhân người ta chưa rõ.

2. Sử dụng trong những trường hợp đặc biệt.

Với những đặc điểm chuyển hóa nhưu trên cần hết sức thận trọng khi sử dụng paracetamol, nhất là trong những trường hợp đặc biệt.

– Phụ nữ có thai: Paracetamol là thuốc hạ sốt giảm đau được khuyên dùng ở phụ nữ có thai, người ta chưa thấy có tác dụng gây quái thai của thuốc này.

Tuy nhiên khi quá liều paracetamol có thể gây độc với thai vì thuốc này dễ dàng qua được nhau thai và ở thời điểm 14 tuần, bào thai đã có khả năng chuyển hoá paracetamol và tạo ra NAPQI. Việc chậm trễ điều trị có thể dẫn đến tử vong của bào thai.

Do đó, người ta khuyến cáo dùng NAC sớm khi người mẹ dùng một lượng paracetamol có thể gây ngộ độc trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm nồng độ paracetamol trong máu.

– Người nghiện rượu: Những người nghiện rượu khi dùng quá liều paracetamol có nguy cơ ngộ độc cao hơn và một số nghiên cứu cũng thấy tỷ lệ tử vong cao hơn người bình thường.. Tính dễ bị ngộ độc paracetamol ở đây có lẽ do dự trữ glutathione bị giảm khi nghiện rượu và lượng NAPQI tạo ra nhiều hơn do hiện tượng entanol gây cảm ứng hệ enzym cytocrom P450.

– Quá liều paracetamol kéo dài: Liều paracetamol dùng hàng ngày được khuyến cáo là không quá 60 – 80mg/ kg/ ngày và không được quá 4gam/ ngày với người lớn, không quá 80mg/ kg với trẻ em. Khi dùng với liều cao hơn kéo dài có thể gây ngộ độc.

– Quá liều mạn tính paracetamol thường do sai lầm về điều trị trong các hoàn cảnh sau: Bệnh nhân tăng dần liều hàng ngày do tin rằng thuốc an toàn, sử dụng thêm các biệt dược khác có cũng chứa paracetamol hoặc bệnh nhân là trẻ em nhưng lại dùng các biệt dược chứa paracetamol của người lớn.

– Một số đối tượng có nguy cơ cao:

Những bệnh nhân nhin đói: do chuyển hoá paracetamol theo con đường glucuronit hoá bị giảm và tăng chuyển hoá qua hệ cytocrom P450, dẫn tới việc tạo ra nhiều NAPQI hơn.

Uống rượu trong vòng 5 ngày trước đó hoặc nghiện rượu: do ethanol gây cảm ứng hệ enzym cytocrom P450 và lượng glutathione bị cạn kiệt do dùng rượu liên tục. Hơn nữa, ngộ độc paracetamol ở người nghiện rượu có thể dễ bị bỏ qua do hiện tượng tăng transaminase được nghĩ là do nghiện rượu.

Tóm lại, dù paracetamol là một thuốc khá an toàn và được bán rộng rãi trên thị trường với rất nhiều tên biệt dược khác nhau, thì chúng ta cũng không nên tự ý dùng thuốc ,nhất là trong những trường hợp đặc biệt như phụ nữ có thai hay người nghiện rượu, trước khi sử dụng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng nên tham khảo ý kiến của bác sỹ hoặc nhân viên y tế.

theo http://www.benhhoctieuhoa.com

Khủng bố sinh học – đôi điều cần biết

Nhân loại tiến bộ lên án vũ khi hạt nhân, vũ khí sinh học với tính năng hủy diệt con người, vũ khớ sinh học đó trở thành một nguy cơ thảm họa cho sức khỏe cộng đồng..

Trong những năm gần đây, nhất là sau vụ khủng bố 11/9 vào nước Mỹ, khi mà phong trào ly khai của các tổ chức hồi giáo cực đoan hoạt động ngày càng có biểu hiện nguy hiểm và liều lĩnh hơn, thì vấn đề chống khủng bố bằng vũ khi sinh học hơn lúc nào hết là một vấn đề nóng bỏng cần có sự tham gia của từng cá nhân, từng tập thể và toàn xã hội nhằm tự bảo vệ, phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại, ứng phó kịp thời, không để lây lan, cứu chữa kịp thời sớm và có hiệu quả người mắc.

1. Khủng bố sinh học là gì?

Khủng bố bằng vũ khí sinh học hay khủng bố sinh học (bioterrorism) dùng để chỉ những hành động làm phát tán có chủ định các yếu tố sinh học gây hại (như vi khuẩn, virus, chất độc có nguồn gốc sinh vật như các độc tố từ vi khuẩn, nấm độc v.v.). Những yếu tố này có thể gây bệnh (hay làm chết) người, động vật, thực vật.

Các yếu tố sinh học được sử dụng trong hinh thức khủng bố này có thể được sản xuất hoặc đã có sẵn trong tự nhiên nhưng có khả năng biến đổi để tăng sức chống chịu với thuốc, tăng khả năng gây bệnh cũng như khả năng lan truyền trong môi trường. Chúng có thể phát tán trong không khí, trong nước, trong thức ăn. Căn cứ vào mức độ ảnh hưởng, các nhân tố dùng trong khủng bố sinh học được phân làm ba nhóm A, B, C.

2. Các nhân tố nhóm A

Bao gồm những loại có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và mức độ lây lan lớn. Thuộc nhóm này gồm có vi khuẩn nhiệt thán, dịch hạch, virus đậu mùa, vi khuẩn ung khí thán, virus sốt xuât huyết..

Vi khuẩn nhiệt thán bacillus anthracis (anthrax) : Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, từ động vật mà chủ yếu là động vật ăn cỏ lây sang người do trực khuẩn than bacillus anthracis gây ra, biểu hiện lâm sàng ở người là hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc toàn thân nặng với tỷ lệ tử vong cao.

Vi khuẩn thuộc nhóm gram dương, hình gậy, kích thước từ 1-6 micromet sinh nha bào có sức đề kháng cao với các nhân tố vật lý và hóa học. Vi khuẩn gây bệnh cho động vật hoang dó và động vật nhai lại.

Người cũng có thể bị nhiễm và mắc bệnh khi tiếp xúc với các cơ quan của gia múc mắc bệnh hay với một lượng lớn nha bào. Anthrax phát huy độc lực rất cao khi xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp (khi ta hít phải). Bệnh than không lây từ người sang người và đó có vaccin nhưng yêu cầu phải tiêm nhiều lần và có khả năng gây ảnh hưởng phụ.

Độc tố của vi khuẩn gồm hai yếu tố:

Yếu tố gây phù nề làm bất hoạt tế bào bạch cầu trung tính của vật chủ làm cho các tế bào này không có khả năng thực bào để tiêu diệt vi khuẩn;

yếu tố gây chết kích thích các đại thực bào sản sinh TNF-alpha và interleukin-1-beta gây sốc phản vệ và có thể gây chết vật chủ.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy vi khuẩn nhiệt thán cũng tác động đến các tế bào nội mạc gây tổn thương các mạch máu dẫn đến sốc và chết do mất máu. Cơ thể chết do bệnh than thường có hiện tượng chảy máu từ các lỗ tự nhiên.

Virus đậu mùa (small pox): là loại virus có tính lây lan mạnh trong không khí và có độc lực cao, gây ra bệnh đậu mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây bằng đường hô hấp, bệnh dễ gây thành dịch, tỷ lệ tử vong cao, biểu hiện là hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân nặng. Người nhiễm virus có thể bị tử vong. Virus này không có vật chủ trung gian truyền bệnh và chỉ gây bệnh cho người.

Vi khuẩn Clostridium botulinum (vi khuẩn gram dương do Emile van Ermengem phân lập vào năm 1895), sản sinh độc tố botulin (độc tố gây chết do làm suy hụ hấp). Độc lực của botulin rất cao (chỉ cần 1 microgam hay 1 phần triệu gam đó có thể làm chết một người, một giọt chất độc này có thể làm chết cả trăm ngàn người).

Nếu quy trình chế biến bảo quản không tốt trong chế biến thực phẩm (nhất là đồ hộp), thực phẩm có thể bị nhiễm vi khuẩn này. Phương pháp làm sôi kết hợp với điều áp có thể diệt được vi khuẩn. Nha bào của vi khuẩn không phát triển trong những đồ hộp có hàm lượng đường cao như mật ong, sirô nhưng có khả năng phát triển khi vào đường tiêu hóa của trẻ sơ sinh.

Virus sốt xuất huyết Ebola thuộc giống Ebolavirus họ Filoviridea gây bệnh với tỷ lệ chết cao do khả năng gây suy nhược đa cơ quan và làm mất máu trầm trọng. Bệnh lây nhiễm do tiếp xúc với dịch tiết của động vật bị nhiễm hoặc cơ thể người bị nhiễm. Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh nhân chết cần hỏa táng ngay. Đây là vũ khí sinh học nguy hiểm nhất, chưa có phương thức chống trả, bệnh xuất hiện nhanh, gây tử vong lớn.

Bệnh dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis được các bác sỹ Thụy sĩ, Pháp và Alexandre Yersin phân lập vào năm 1894. Vật chủ trung gian là các loài gặm nhấm. Bệnh có thể được truyền sang người qua bọ chét, do tiếp xúc với con vật bị nhiễm hay hít phải khí bị nhiễm. Tỷ lệ tử vong 100% nếu không được điều trị.

Tularemia hay “sốt thỏ” do vi khuẩn Francisella tularensis gây ra.Bệnh không lây từ người sang người mà do hít phải khí nhiễm khuẩn. Vi khuẩn này được sử dụng làm vũ khí sinh học do đặc điểm dễ lây truyền và dễ sử dụng.

Ngoài những nhân tố nhóm A, cũng cần lưu ý các nhân tố nhóm B ( nhóm này có khả năng lây nhiễm và gây bệnh ở mức nhẹ hơn) như Vi khuẩn brucella, Sốt Q

Staphylococcal enterotoxin B , Mầm bệnh trong thức ăn , Mầm bệnh trong nước uống và các nhân tố nhóm C – các nhân tố thuộc nhóm này có thể được sản xuất với một lượng lớn vì chúng dễ sử dụng, dể sản xuất và có độc tính cao (ví dụ vi khuẩn lao).

3. Thiệt hại do khủng bố sinh học.

Gây tâm lý hoảng loạn, bất an trong cộng đồng.

Đe dọa sức khỏe, tính mạng của một nhóm người, của cư dân trong một vùng, một quốc gia hay toàn thể giới.

Gây tổn thất về kinh tế do các chi phí sử lý nguồn bệnh được phát tán, do thiệt hại trong nông nghiệp từ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, cây trồng; giảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp và gây khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm.

Suy thoái môi trường, mất cân bằng sinh học.

Ảnh hưởng đến ổn định kinh tế, chính trị v.v.

4. Một số biện pháp phát hiện khủng bố sinh học.

Thiết lập và vận hành có hiệu quả hệ thống chẩn đoán và phòng trị bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng, vùng lãnh thổ và mỗi quốc gia.

Phát triển các hệ thống phòng trừ dịch bệnh trong nông nghiệp

Thiết lập và thực hiện hiệu quả các quy chế quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuyên truyền trong cộng đồng những hiểu biết chung nhất về vũ khí sinh học và khủng bố sinh học. Phát triển các phương pháp điều trị.

Quản lý chặt chẽ các cơ sở có nguy cơ là nơi làm “rò rỉ” các tác nhân sinh học có hại như bảo tàng giống vi sinh vật, ngân hàng giống vi sinh vật, ngân hàng gene…

Thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát xuất-nhập các yếu tố sinh học v.v.

Vitamin A – Xin chớ lạm dụng!

Vitamin A là dạng vitamin tan trong dầu, có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể giúp tế bào thực hiện hoạt động sao chép bình thường, cần thiết cho sức khỏe thị giác, giúp cho các tế bào trong một loạt cấu trúc của mắt luôn khỏe mạnh…

Ngoài ra, nó còn rất quan trọng đối với sự biến đổi ánh sáng thành các tín hiệu thần kinh trong võng mạc, cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của phôi thai và thai nhi, cần thiết cho chức năng sinh sản, vì nó gây ảnh hưởng lên chức năng và sự phát triển của tinh trùng, buồng trứng và nhau thai…

Vitamin A có rất nhiều trong gan, cá thịt sữa, trứng… trong các loài thực vật như gấc, cà rốt, cà chua, rau xanh..Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nếu như sử dụng không đúng cách, chúng ta sẽ gặp phải những tác dụng bất lợi của vitamin A mà điển hình là tình trạng viêm gan cấp hoặc mạn. Trong phạm vi bài viết này, xin được đề cập đến nhưng mặt tích cực cũng như những tác dụng không mong muốn của vitamin A.

Vitamin A benefit

1. Vậy vitamin A có những tác dụng gì?

Trên mắt: vitamin A có vai trò tạo sắc tố võng mạc giúp mắt điều tiết, có thể nhìn được trong điều kiện thiếu ánh sáng. Sở dĩ có khả năng này là do trong bóng tối Vitamin A (cis – retinal) kết hợp với opsin tạo nên sắc tố võng mạc là rhodopsin – đây là sắc tố nhạy cảm với ánh sáng có cường độ thấp giúp mắt nhìn được trong điều kiện thiếu ánh sáng. Khi ra ánh sáng lại xảy ra quá trình ngược lại. do đó nếu cơ thể thiếu vitamin A, khả năng nhìn trong tối giảm gây ra bệnh quáng gà, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây mù lòa.

Trên da và niêm mạc: Vitamin A rất cần thiết cho quá trình biệt hóa các tế bào ở da và niêm mạc, có vai trò bảo vệ sự toàn vẹn của cơ cấu và chức năng của biểu mô khắp cơ thể,nhất là biểu mô trụ của mô mắt.Vitamin A làm tăng tiết chất nhầy và ức chế sừng hóa. Vì vậy nếu thiếu vitamin A, quá trình bài tiết chất nhày bị giảm hoặc mất, biểu mô sẽ bị teo và thay vào đó là các lớp keratin dày lên làm da trở lên khô, nứt nẻ và sần sùi.

Trên xương: cùng với vitamin d, vitamin A có vai trò cho sự phát triển xương, tham gia vào sự phát triển của cơ thể, đặc biệt ở trẻ em, do đó nếu thiếu vitamin A trẻ em sẽ còi xương chậm lớn.

Trên hệ miễn dịch: giúp phát triển lách và tuyến ức – hai cơ quan quan trọng tạo ra các lympho bào. Gần đây có nhiều công trình chứng minh tác dụng của vitamin A và tiền chất của nó là caroten có tác dụng chống oxy hóa và tăng sức đề kháng của cơ thể. Khi thiếu vitamin A cơ thể dễ nhiễm khuẩn và dễ nhạy cảm với tác nhân gây ung thư.

Ngoài ra khi thiếu vitamin A còn có thể gây tổn thương đường hô hấp, tiết niệu, sinh dục và thiếu máu nhược sắc.

2. Ai dễ bị thiếu vitamin A?

Những người kiêng ăn gan, các sản phẩm sữa và các loại rau chứa beta caroten – tiền tố vitamin A và sẽ chuyển thành vi tố này trong cơ thể.

Trẻ sơ sinh quá nhẹ cân.

Người bị suy tuyến giáp gây giảm hoạt động chuyển hóa beta caroten thành vitamin A.

Người già bị tiểu đường type 2.

Các dấu hiệu thiếu vitamin A sớm nhất là thị lực ban đêm yếu, ngoài ra có thể đi kèm khô da, dễ bị nhiễm trùng

3. Cần bổ sung như thế nào?

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, phòng ngừa thiếu vitamin A dùng 5000 – 10.000 UI/ngày. Phần lớn thì mức hấp thu dưới 25.000 IU (tương đương 7.500 mcg) vitamin A mỗi ngày là an toàn. Tuy nhiên, người trên 65 tuổi hoặc mắc bệnh gan thì không vượt quá 15.000 IU/ngày, trừ phi có chỉ định của bác sĩ. Đối với phụ nữ mang thai, mức hấp thu tối ưu vẫn đang được đánh giá lại, song dưới 10.000 IU (3.000 mcg) mỗi ngày là an toàn.

A diagram showing how vitamin A is used by the eye

4. Những tác dụng không mong muốn

Ngộ độc cấp: khi dùng liều rất cao, người lớn > 1.500.000 UI/ ngày, trẻ em > 300.000 UI/ngày, thường xuất hiện sau khi uống thuốc 4 – 6h, biểu hiện hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, nôn, kích thích, tiêu chảy, co giật, mê sảng.

Ngộ độc mạn: khi dùng liều trên 100.000 UI/ ngày trong 10 – 15 ngày, biểu hiện mệt mỏi, kích thích, rối loạn tiêu hóa, gan to, lách to, da đổi màu, nứt nẻ, rụng tóc chảy máu, tăng calci, phù nề, trẻ em có thể tăng áp lực nội sọ, ù tai ngừng phát triển xương dài…phụ nữ có thai dùng kéo dài sẽ gây quái thai.

Đáng lưu tâm nhất là khả năng gây ngộ độc cho gan. Uống vitamin A quá nhiều là nguyên nhân gây ngộ độc gan phụ thuộc vào liều lượng có thể đưa đến xơ gan. Uống thường xuyên liều lớn vitamin A (>25.000 đơn vị /ngày) có thể gây ngộ độc mãn tính và tổn thương gan.

Tổn thương gan có thể xảy ra khi uống 15.000 – 40.000 đơn vị /ngày trong một năm , nhưng liều cao hơn có thể ngộ độc trong vòng vài tháng. Tổn thương gan nhiều hay ít tùy thuộc liều lượng và thời gian sử dụng. Nhiều bệnh nhân có bệnh gan do vitamin A gây ra có khi không nhận thấy , chỉ khi bác sĩ lâm sàng thấy có hiện tượng bệnh nhân dùng vitamin A kéo dài kèm viêm gan mỡ, tăng áp lực tĩnh mạch cửa thì mới phát hiện ra. Người nghiện rượu nguy cơ càng cao.

Tóm lại, dù vitamin A có vai trò rất quan trọng đối với co thể, song chúng ta cũng không nên lạm dụng nó, tốt nhất trước khi sử dụng hãy tham khảo ý kiến bác sỹ.

Lỗi lo nghiện rượu

Những người uống rượu thường xuyên với mục đích tiêu khiển, để che đậy những khiếm khuyết của bản thân, quên đi những vướng mắc trong cuộc sống… được coi là lạm dụng rượu. Từ lạm dụng rượu đến phụ thuộc rượu và nghiện rượu có ranh giới rất mỏng manh.

Y học ngày nay vẫn coi nghiện rượu là một bệnh mạn tính, vì bệnh nhân uống rượu hàng ngày, lượng rượu này ảnh hưởng đến não, gan, tim mạch… từ đó gây ra các rối loạn về tâm thần và các tổn thương ở các hệ thống tiêu hóa, tim mạch…

Xã hội cũng coi những người nghiện rượu là gánh nặng vì họ mất khả năng lao động, hay gây rối trật tự công cộng, làm tổn thương các mối quan hệ trong gia đình, gây ra các tai nạn giao thông, sống bê tha, nhân cách suy đồi.

Không nên nhầm lẫn giữa nghiện rượu với say rượu trong sinh hoạt thường ngày. Người nghiện rượu có các dấu hiệu bệnh cơ thể và tâm thần rõ ràng hơn. Tuy nhiên, cần biết rằng say rượu thường xuyên là giai đoạn đầu của nghiện rượu. Những người say rượu đều có biến đổi nhân cách và suy thoái về đạo đức xã hội.

Lượng rượu uống hàng ngày:

Lượng rượu uống hàng ngày của bệnh nhân nghiện rượu còn khác nhau, tuỳ thuộc vào từng vùng, miền và tập quán của nhân dân địa phương. Nói chung, lượng rượu uống trong ngày phải vượt quá 300 ml rượu 40o cồn thì bệnh nhân mới có thể trở thành nghiện rượu sau 10 năm uống liên tục. Đây chỉ là giới hạn dưới của nghiện rượu.

Bệnh nhân nghiện rượu thực tế uống rải rác trong ngày. Họ uống rượu thay cho nước, tổng số lượng uống lên đến 1000 ml rượu 40o cồn. Không hiếm trường hợp người nghiện uống hết 2 lít rượu/ngày. Cá biệt, có bệnh nhân uống tới 4 lít rượu 40o cồn/ngày. Những bệnh nhân này hầu như không ăn uống gì ngoài uống rượu.

Ở Việt Nam, đa số các bệnh nhân nghiện rượu thường xuyên sử dụng loại rượu do nhân dân tự nấu từ ngũ cốc, khoai, sắn… với qui trình nấu rượu rất thô sơ. Các loại rượu này có độ cồn trong khoảng 30-45 độ, nhưng không được khử độc, vì thế có chứa nồng độ aldehyd và các tạp chất khác rất cao, rất có hại cho người uống. Hơn nữa, loại rượu này thường được sử dụng ngay sau khi cất, không có thời gian lưu trữ để các chất độc có thời gian phân huỷ, tác hại khôn lường.

Nhiều cơ sở nấu rượu còn tìm cách pha thêm cồn công nghiệp và các chất khác vào rượu để tăng nồng độ rượu và làm rượu trong hơn. Nếu rượu uống được pha thêm một lượng nhỏ rượu methanol thì sẽ gây hậu quả khôn lường. Người uống phải loại rượu này sẽ bị hôn mê, mất trí nhớ, mù mắt và có thể tử vong.

Tác dụng của rượu đối với cơ thể

Rượu vào cơ thể được phân bố đến các cơ quan và gây ra các tác dụng chuyên biệt đến các chức năng khác nhau.

– Trên hệ thần kinh: Tác dụng của rượu phụ thuộc vào nồng độ của nó trong máu. Nồng độ rượu thấp có tác dụng an thần và giải lo âu. Nồng độ rượu cao hơn gây ra những rối loạn tâm thần, mất điều hoà, không tự chủ hành vi. Nồng độ cao hơn nữa có thể dẫn đến hôn mê, ức chế hô hấp và có thể tử vong.

– Trên hệ tiêu hóa: rượu nhẹ dưới 20o cồn có tác dụng làm tăng tiết dịch vị, tăng nhu động ruột, tăng khả năng hấp thu của niêm mạc ruột. Ngược lại, nồng độ rượu trên 20o cồn thì gây ức chế tiết dịch vị, ức chế khả năng hấp thu thức ăn của niêm mạc ruột. Rượu mạnh trên 40o cồn có thể phá huỷ lớp nhầy bảo vệ niêm mạc gây viêm ruột, co thắt vùng hạ vị và nôn.

Các bệnh do rượu gây ra

– Viêm gan và xơ gan: Tổn thương ở gan thường là gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan. Tỷ lệ xơ gan do rượu ngày càng tăng. Ở người nghiện rượu, nguy cơ chết do xơ gan cao gấp 10 lần so với người bình thường. Mặt khác, khoảng 10% số người nghiện rượu sẽ phát triển thành xơ gan. So với xơ gan thì viêm gan do rượu còn phổ biến hơn, gặp ở 2/3 số người uống rượu nhiều.

– Viêm dạ dày: Uống rượu làm tăng tiết dịch vị, biến đổi chất nhày bảo vệ niêm mạc dạ dày từ đó tăng nguy cơ viêm dạ dày. Chảy máu đường tiêu hoá cấp cũng thường xảy ra ở bệnh nhân viêm dạ dày có uống rượu.

– Viêm tụy: Uống rượu có thể gây viêm tuỵ cấp và viêm tụy mạn tính. Lượng rượu uống càng nhiều, thời gian uống rượu càng lâu thì tỷ lệ viêm tụy mạn tính càng cao.

Tổn thương tụy sẽ làm giảm tiết insulin và các men tiêu hoá của tụy, dẫn đến cản trở chuyển hoá glucoza, giảm hấp thu lipid. Hệ quả của nó là đái tháo đường, tiêu chảy và làm nặng nề thêm quá trình nhiễm mỡ ở gan.

– Tăng huyết áp do rượu: Việc uống nhiều rượu mỗi ngày gây ra tình trạng tăng huyết áp lệ thuộc rượu mà phải sau nhiều ngày ngừng rượu mới có thể trở lại bình thường. Tăng huyết áp kết hợp với tình trạng rối loạn đông máu do giảm tiểu cầu ở bệnh nhân nghiện rượu là nguyên nhân gây xuất huyết não xuất hiện trong vòng 24 giờ sau khi uống nhiều rượu.

– Bệnh giãn cơ tim do rượu: Rượu tác động trực tiếp trên cơ tim gây giãn cơ tim do rượu. Bệnh thường xuất hiện ở người nghiện rượu nhiều năm, triệu chứng suy tim phát triển dần dần. Suy tim trong nhiễm độc cơ tim do rượu là loại suy tim có thể hồi phục khi bệnh nhân được phát hiện sớm và ngừng uống rượu. Trường hợp suy tim đã nặng thì việc ngừng uống rượu tuy không giúp suy tim hồi phục nhưng cũng làm chậm phát triển của suy tim. Với những trường hợp bệnh nhân vẫn tiếp tục uống rượu thì họ sống không quá 3 năm nữa.

( theo suckhoedoisong.vn )

Phòng chống bệnh ký sinh trùng

Tuyên truyền cách
phòng chống bệnh ký sinh trùng cho nhân dân

Với điều kiện vi khí hậu ở vùng nhiệt đới, trong đó có Việt Nam thì các bệnh ký sinh trùng, đặc biệt là ký sinh trùng ký sinh và gây bệnh ở hệ tiêu hóa lưu hành khá phổ biến ở khu nhiệt đới và cận nhiệt đới, đồng thời được xem là bệnh thường gặp tại những nước đang phát triển hoặc kém phát triển.

Từ mức độ phổ biến cũng như khả năng lây lan của các bệnh lây truyền tại đường ruột này nên khi phát hiện chúng xuất hiện hoặc nổi trội tại một khu vực hoặc quốc gia, liên vùng,…có thể phản ánh gián tiếp về điều kiện vệ sinh và chất lượng sinh hoạt của địa phương đó.

Về chủng loại gây bệnh, chúng ta có thể thấy rằng ký sinh trùng đường ruột gây bệnh phần lớn bắt nguồn từ các đơn bào (protozoa) và một số loài giun, sán; trong đó, các đơn bào gây bệnh chiếm chủ yếu như Entamoeba histolytica ở đại tràng, ở phổi, gan mật, bệnh do nhiễm trùng roi Giardia lamblia gây tiêu chảy và nhiễm đơn bào hình cầu Cryptosporidium.

Nhiễm giun sán có phổ loài rộng hơn nhiều với giun đũa, giun móc, giun mỏ, giun tóc, giun kim, sán lá gan nhỏ Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverinii, sán lá gan lớn lạc chỗ và một số loài sán dây bò và dây lợn.

1. Đường lây truyền và yếu tố thuận lợi của các tác nhân gây bệnh

– Cách thức ký sinh trùng đường ruột gây nhiễm bệnh ở người tùy theo các chủng, loại gây bệnh khác nhau có thể đường vào khác nhau. Nhìn chung, người ta chia thành hai con đường lây truyền: [1] qua đường miệng xuống đến dạ dày và ruột non, ruột già rồi gây bệnh tại đó (giun đũa tóc, sán lá, sán dây, giun lươn, đơn bào amíp,…), [2] , lây truyền qua đường da, niêm mạc (giun móc, mỏ qua đường da niêm chân khi đi chân đất ròi theo một chu kỳ đến ký sinh và gây bệnh tại tá tràng như giun Necator americanus, Ancylostoma duodenal,…);

– Phần lớn ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người qua đường miệng (ăn uống). Sau khi phát triển rồi tưởng thành sẽ đẻ trứng và ấu trùng theo đường mật hoặc ruột theo phân ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm và sẽ là điều kiện nhiễm tốt khi con người tiếp xúc, chúng sẽ đi vào trực tiếp hoặc thông qua bằng con đường bón phân gián tiếp để gây ô nhiễm đất trồng và rau quả, trái cây hoặc nguồn nước.

Những thói quen “không tốt” trong ăn uống hoặc tập quán ăn sống, uống nước lã, thói quen không rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi vệ sinh, …đều có thể để trứng của ký sinh trùng di chuyển từ miệng vào cơ thể;

– Một số tác nhân gây bệnh khác như sán dây bò, dây lợn hoặc sán lá gan lớn, sán gan nhỏ có chu trình sinh sản và phát triển khá phức tạp, lại qua nhiều vật chủ trung gian rồi có thể gây bệnh, nhiễm bệnh cớ thể do ăn các thực phẩm sống từ thịt bò, thịt lợn chưa nấu chín (gây bệnh sán dây bò, dây lợn và bệnh ấu trùng sán lợn) hoặc do thói quen ăn các rau thủy sinh chưa xử lý kỹ hoặc uống nước lã, ăn gan động vật sống còn nhiễm ấu trùng giai đoạn nhiễm hoặc ăn loại cá nước ngọt dưới dạng bóp gỏi hoặc cuốn ăn sống tại một số vùng hoặc kiểu ăn “semi” của Nhật Bản hoặc Thái Lan cũng là một trong những yếu tố dễ nhiễm bệnh (sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ);

2. Một số triệu chứng lâm sàng biểu hiện hay gặp khi nhiễm ký sinh trùng

– Qua thực tiễn lâm sàng, trên 75% số bệnh nhân mang mầm bệnh mà hoàn toàn không có triệu chứng, thậm chí đã tổn thương đường ruột và hệ gan mật rất nặng cũng không hề hay biết, đây không phải là vấn đề tốt mà trái lại chính các đối tượng đó sẽ mang mầm bệnh rất lớn, nguồn lây quan trọng từ một à đến nhiều người, thậm chí đến 1 vùng, do vậy trên các vùng lưu hành bệnh, chúng ta nên có thái độ tầm soát nhắm phát hiện sớm và chẩn đoán kịp thời, từ đó điều trị tiệt căn cho các bệnh nhân, giúp giảm bớt nguồn lây cho cộng đồng;

– Triệu chứng của bệnh ký sinh trùng đường tiêu hóa lệ thuộc vào chủng loại tác nhân gây bệnh thì có biểu hiện khác nhau; thường khi nhiễm và phát bệnh, bệnh nhân hay than phiền
các triệu chứng rối loạn tiêu hóa (phân lỏng, nhầy, không thành khuôn hoặc phân đặc và lỏng xen kẻ ngày này qua ngày khác),
đau bụng,
thiếu máu suy dưỡng (do giun sán hút máu hoặc trên tình hình chung đồng nhiễm nhiều loại giun sán),
sụt cân, ăn uống bình thường nhưng không tăng cân (do ngăn cản quá trình hấp thu chất dinh dưỡng tại các ngấn ruột),
khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn, hoặc nôn mửa, đặc biệt khi nhiễm các loại giun tròn (giun đũa, giun tóc, giun móc, giun mỏ, giun kim, giun lươn),
nếu nhiễm một lượng lớn giun có thể gây nên nhiều biến chứng như tắc ruột, chảy máu, viêm tắc đường mật, loét tiêu hóa.
Một số triệu chứng khác ít gặp hơn là chán ăn, mất ngủ, ngứa, dị ứng và có dấu hiệu ấu trùng di chuyển (giun kim, giun lươn, sán lá gan lớn,…)
hoặc có hiện tượng ký sinh và gây triệu chứng lạc chỗ;

– Khoảng 76-92% đối tượng nhiễm amíp không thấy có triệu chứng, nhưng vẫn có thể thải bào nang ra ngoài môi trường và gây bệnh cho nhiều người; khoảng 10% số người bị nhiễm đơn bào sẽ xâm nhập vào tổ chức niêm mạc ruột, gây rối lọan tiêu hóa, nhất là đi lỏng, kế tiếp khó chịu ở bụng, tiêu chảy xen kẽ hoặc táo bón, nếu mức độ nặng sẽ kèm theo sốt, đại tiện phân lẫn máu mũi hoặc lẫn chất nhày, hoặc gây ra một số triệu chứng ở phổi, gan và một số cơ quan khác như não, lách, thận;

– Nhiễm sán dây sẽ mắc các triệu chứng thường gặp gồm có chứng đau bụng, chán ăn, đầy bụng, sôi bụng, ăn uống không tiêu, rối loạn chất phân, dợm miệng, buồn nôn.
Đốt sán dây lợn có thể được nở ra trong ruột non, để di chuyển vào cơ thể hoặc đến các tổ chức trong nội tạng gây ra bệnh ấu trùng sán lợn, vị trí thường gặp là ấu trùng là nằm trong lớp dưới da và bắp cơ, có thể không cho thấy các triệu chứng; nhưng nếu như nang trùng đóng kén tại não, mắt hoặc tủy sống sẽ đưa đến những triệu chứng, biến chứng và di chứng thần kinh nghiêm trọng;

– Nếu nhiễm sán lá gan nhỏ Clonorchis sinensis, Opisthorrchis viverinii hoặc sán lá gan lớn Fasciola hepatica và Fasciola gigantica nếu ở mức độ nhẹ thì triệu chứng không hoặc khó nhận ra, đa số biểu hiện triệu chứng ca bệnh đều là khi bệnh chuyển sang quá trình nhiễm mạn tính (thường sau 4 tháng).
Triệu chứng hay gặp là chán ăn, ăn không ngon, đầy bụng, khó tiêu, ậm ạch, suy dưỡng sụt cân 2-5 kg/ 2 tháng, nhức đầu, đau cơ, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa (phân lỏng và đặc xen kẻ nhau), đau vùng bụngthượng vị-mũi ức hoặc hạ sườn phải và chauffard-rivet, đôi khi đau tức từng cơn.
Trường hợp nhiễm lượng sán nhiều có thể dẫn đến tắc mật gây nên triệu chứng vàng da, vàng mắt, ngứa, tiêu hóa kém, viêm hệ đường mật, gây abces gan,…Bệnh diễn biến càng mạn tính mà không có biện pháp can thiệp nào sẽ đưa đến tạo sỏi mật (cấu trúc nhân của sỏi), xơ gan hoặc thậm chí ung thư đường mật (điều này đã được các nhà khoa học chứng minh có mối liên quan giữa nhiễm sán lá gan nhỏ với ung thư đường mật);

3. Một số phương pháp phát hiện bệnh

– Lấy mẫu phân tươi xét nghiệm để tìm trứng giun, sán, kén, bào nang đơn bào hoặc giun sán con trưởng thành;

– Nuôi cấy phân nhằm phát hiện ấu trùng giun lươn;

– Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán, đặc biệt là phương pháp Western Blott và ELISA phát hiện kháng nguyên hoặc kháng thể của ký sinh trùng (một số quóc gia có sử dụng cả kỹ thuật PCR để chẩn đoán bệnh);

– Xét nghiệm công thức máu toàn phần, đáng chú ý là số lượng và tỷ lệ bạch cầu ái toan và qua đó có thể đánh giá mức độ về các thông số huyết học.

4. Thái độ xử trí

Tùy theo mỗi loại bệnh ký sinh đường ruột sẽ có phương cách điều trị hoàn toàn khác nhau, có thể thầy thuốc điều trị theo phương pháp y học cổ truyền hoặc thuốc sổ hoặc diệt giun sán;

Điều quan trọng là chúng ta nên đếnkhám và điều trị, uống thuốc theo sự hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa, không nên tự ý dùng một số bài thuốc cổ phương trong dân gian truyền miệng nhau, nguy cơ dẫn đến di ứng thuốc là khó tránh khỏi.

5. Biện pháp phòng tránh

– Chú ý vệ sinh cá nhân, thường xuyên cắt móng tay, nhất là trẻ em, giáo dục sức khỏe cho mọi người nên có thói quen rửa tay trước và sau khi ăn uống, sau khi đi tiểu và đại tiện;

– Các trường mẫu giáo và trường tiểu học phải định kỳ thực hiện cuộc kiểm tra sàng lọc ký sinh trùng để phát hiện sớm bệnh ký sinh đường ruột ở trẻ em và điều trị bằng thuốc hợp lý. Nếu xuất hiện trường hợp nghi mắc bệnh ký sinh trùng đường ruột, hãy chủ động khám và điều trị triệt để;

– Không nên ăn sống mà phải xử lý vệ sinh, khử trùng và nấu chín đối với hoa quả, rau xanh, thịt lợn, thịt bò, cá sống làm gỏi,…trước khi ăn. Nước uống cần được đun sôi mới bảo đảm an toàn;

– Không nên đi tiểu, đại tiện bừa bãi, không sử dụng phân tươi để bón phân; phân người phải được xử lý trong bồn phân hủy, để tránh gây ô nhiễm nguồn nước. ( nguồn: viện sốt rét ký sinh trùng trung ương )

– Người nhiễm bệnh ký sinh trùng đường ruột đại đa số có triệu chứng biểu hiện nhẹ hoặc không biểu hiện gì nhưng có “tiềm năng” lây nhiễm lớn và điều quan trọng là mầm bệnh được đào thải qua phân từng đợt, nếu chúng ta không chú ý mà chỉ khám xét nghiệm một lần e rằng sẽ bỏ sót ca bệnh;

– Thực hiện chiến dịch sổ giun, sán định kỳ (cần thiết).

theo http://www.benhhoctieuhoa.com

Co thắt thực quản lan tỏa

Co thắt thực quản lan tỏa (Diffuse esophageal spasm – DES) là thuật ngữ dùng để xác định tình trạng rối loạn vận động của cơ trơn thực quản với đặc điểm là co thắt không đồng đều, có nhiều co tự phát và co do nuốt gây ra, có đồng thời với lúc bắt đầu, biên độ lớn, dài lâu và xảy ra lặp lại, đây là bệnh lý thực quản hiếm gặp được Osgood mô tả lần đầu tiên vào năm 1889…

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của DES chưa được biết rõ ràng; triệu chứng mơ hồ và khó chẩn đoán cho nên thường không được điều trị kịp thời; có thể được điều trị nội khoa hay ngoại khoa, có thể kết hợp điều trị tâm lý (nếu có) nhưng hiện nay, các nhà y học trên thế giới vẫn còn tranh cãi để tìm ra phương pháp tối ưu nhất vì hiệu quả của các phương pháp điều trị hiện nay vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

1. Nguyên nhân nào dẫn đến DES

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của DES chưa rõ ràng, có một số yếu tố mà người ta nghĩ nhiều đến nó là căn nguyên. DES có thể do sự rối loạn phức hợp hệ thống thần kinh cụ thể là khiếm khuyết của sự ức chế dẫn truyền đám rối thần kinh ruột, điều này làm cho hệ thống cơ của thực quản hoạt động không đồng bộ. Ngoài ra, công việc căng thẳng, làm việc quá sức cùng một số bệnh lý đường tiêu hoá được xem là yếu tố thuận lợi làm tăng khả năng bị DES.

Các biến thể của co thắt thực quản lan tỏa, như co nhu động nhưng có biên độ lớn hoặc co đồng thời nhưng có biên độ bình thường, thường xảy ra như bệnh tiên phát hoặc kết hợp với một số bệnh khác cũng như stress cảm xúc và tuổi già.

Bệnh chất tạo keo mạch máu, bệnh thần kinh trong đái tháo đường, viêm thực quản hồi lưu, viêm thực quản do tia xạ, tắc thực quản và các thuốc tiết cholin hay kháng tiết cholin đều có thể gây nên bệnh lý này.


2. Biểu hiện của DES như thế nào

Biểu hiện ban đầu ở bệnh nhân bị DES giống như các bệnh nhân đau ngực không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân bị DES thường lo lắng và phàn nàn đau ngực xảy ra mỗi khi nuốt thức ăn, làm việc quá sức và một thay đổi 1 số tư thế nhất định, thường được mô tả như có một vật đè nặng lên vùng sau xương ức, cường độ thay đổi tuỳ lúc và cơn đau này lan toả từ cùng dưới hàm xuống cánh tay hoặc là đau lan ra vùng sau xương bả vai. Những triệu chứng thường tăng lên những lúc căng thẳng, nhưng giảm khi tập thể dục.

Triệu chứng bao gồm: nuốt nghẹn, ợ nóng và đau ngực không liên quan đến tim mạch. Dấu hiệu tắc thực quản thường không xảy ra. Một số bệnh nhân có biểu hiện trào ngược nước bọt từ trong lòng thực quản trong cơn co thắt của bệnh DES. Triệu chứng của DES có thể tăng lên khi ăn thức ăn và nước uống lạnh và có thể gây trào ngược dạ dày-thực quản, nhưng hầu hết bệnh nhân DES không có trào ngược. Trong tiền sử bệnh nhân có thể bị hội chứng ruột kích thích, co thắt tâm vị, hoặc rối loạn một số chức năng dạ dày-ruột khác.

3. Cần làm các xét nghiệm gì nếu nghi ngờ DES

Chụp thực quản có Barite, nhưng ở bệnh nhân DES rất khó chụp được hình ảnh điển hình. Điển hình là hình ảnh thực quản lượn xoắn giống đại tràng hay hình chuỗi hạt, nguyên nhân bởi sự có thắt từng đoạn của lớp cơ vòng thực quản. Bệnh lý nhiều túi thừa của thực quản cùng với triệu chứng đau thắt có thể là dấu hiệu gợi ý đến DES.


at the esophageal junction. in diffuse esophageal spasm, barium esophagram shows a corkscrew


at the time of spasm.


Đo áp lực thực quản: áp lực được đo từng inch một (1 inch=4mm) hoặc dùng ballon có chia độ đi xuống dạ dày. Kết quả ghi lại chính xác tình trạng hoạt động của cơ thực quản từng vùng. Bình thường áp lực thực quản khi nuốt là 15-25 mmHg (không bao giờ quá 45 mmHg). Áp lực tại vùng co thắt có thể lên rất cao từ 225 đến 430 mmHg. Việc ghi lại nhu động của thực quản bằng đo áp lực có thể chẩn đoán được bệnh DES với đặc điểm: co thắt với biên độ cao, lặp lại và kéo dài.

Nội soi ống mềm được tiến hành để loại trừ một số bệnh u thực quản xâm lấn, xơ hoá thực quản, hoặc viêm thực quản, đây cũng là các nguyên nhân gây hẹp đoạn dưới thực quản.

Để chẩn đoán DES tốt nhất là chụp thực quản có cản quang và đo áp lực thực quản được tiến hành ở những bệnh nhân không có triệu chứng.

Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán DES là sự tương quan giữa bằng chứng co thắt thực quản và sự phàn nàn của bệnh nhân khi ghi áp lực thực quản.

Caustic Injury of the Esophagus


4. Điều trị DES như thế nào.

Đây là vấn đề còn nhiều bàn cãi để có thể tìm ra giải pháp tối ưu.Co thắt thực quản lan toả có thể được điều trị nội khoa hay ngoại khoa, có thể kết hợp điều trị tâm lý (nếu có). Những bệnh nhân bị nuốt nghẹn thì nên tránh sự căng thẳng trong bữa ăn. Nếu có dấu hiệu trào ngược dạ dày-thực quản hoặc có bằng chứng về test chức năng thực quản thì nên điều trị trào ngược dạ dày- thực quản.

Thức ăn mềm, lỏng và chia nhỏ miếng giúp cho bệnh nhân dễ dàng nuốt hơn. Một số loại thuốc cũng có tác dụng cải thiện tình trạng nuốt nghẹn và đau như: thuốc kháng tiết cholin, thuốc giãn cơ trơn, thuốc an thần… Ngoài ra còn 1 số phương pháp khác để điều trị nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng như nong thực quản bằng que nong hoặc phẫu thuật mở thực quản ngực.

Tóm lại co thắt thực quản là bệnh lý rối loạn liên quan đến tăng co thắt cơ thực quản hiếm gặp. Nguyên nhân bệnh sinh chưa rõ ràng, chẩn đoán và lựa chọn phương pháp điều trị còn khó khăn, khi nghi ngờ bị bệnh lý này cần đến các cơ sở y tế có uy tín để khám từ đó bác sỹ sẽ cho chỉ định điều trị hợp lý nhất.

theo http://www.benhhoctieuhoa.com

Trĩ – bệnh "văn phòng"

Bệnh trĩ là bệnh của vùng hậu môn trực tràng có tỷ lệ người mắc khá cao, nhất là những người lớn tuổi. Bệnh nhân mắc bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất muộn sau nhiều năm, vì bệnh tuy có ảnh hưởng tới cuộc sống nhưng không nặng nề nên bệnh nhân thường bỏ qua đồng thời vì bệnh ở vùng kín đáo nên bệnh nhân thường ngại đi khám nhất là phụ nữ.

1. Tại sao chúng ta bị trĩ?

Thuyết cơ học cho rằng, đám rối tĩnh mạch nằm ở mặt phẳng sâu của lớp dưới niêm mạc, được giữ tại chỗ bởi các sợi cơ có tính đàn hồi. Ngoài 20 tuổi, sự thoái hoá keo bắt đầu xuất hiện, các dải cơ này bắt đầu chùng nhẽo dần. Cộng với nó, nếu có áp lực ổ bụng hoặc áp lực tĩnh mạch tăng thường xuyên (do táo bón kinh niên, rối loạn đại tiện hay xơ gan…) thì các bũi trĩ nội căng phồng to lên. Lúc đầu chúng còn nằm trong ống hậu môn, nhưng khi các sợi treo đứt hẳn thì chúng gần như thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn.

Thuyết động học cho rằng trong lớp dưới niêm mạc của phần thấp trực tràng của ống hậu môn có rất nhiều khoang mạch, vách các khoang này có chỗ dày chỗ mỏng tạo nên tổ chức hang, ở đây có sự thông nối giữa động và tĩnh mạch tạo nên vị trí ngã tư đường của một mạng tuần hoàn rộng lớn. Khi một mạch máu bị tắc thì mạng mạch máu ở lớp dưới niêm mạc này đóng vai trò bù trừ, nhưng khi vượt quá khả năng bù trừ thì gây ra bệnh trĩ.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ là gì ?

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác của bệnh trĩ chưa được xác định, song có một số yếu tố thường xuyên được nhắc đến:

– Tư thế đứng: Trĩ gặp nhiều ở những người phải thường xuyên đứng lâu hay ngồi nhiều như thư nhân viên văn phòng, lái xe đường dài…

– Lị và táo bón: ở những người này mỗi khi đại tiện phải rặn nhiều, khi rặn áp lực trong ống hậu môn tăng lên khoảng 10 lần dễ gây ra bệnh trĩ.

– Tăng áp lực trong khoang ổ bụng: hay gặp ở những người lao động chân tay nặng nhọc, những người mắc bệnh viêm phế quản mạn tính…

– Ngoài ra trĩ còn xuất hiện trong một số bệnh lý khác như xơ gan, u vùng hậu môn trực tràng và tiểu khung…

3. Biểu hiện của bệnh như thế nào?

Bệnh xuất hiện không rõ ràng. Bệnh nhân cũng như thầy thuốc thường không khẳng định được thời gian bắt đầu của bệnh

– Chảy máu hậu môn và đại tiện ra máu tươi: đây là triệu chứng thường gặp và xuất hiện sớm nhất của bệnh trĩ. Lúc đầu máu chảy ít, kín đáo nên người bệnh không để ý, nếu dùng giấy vệ sinh sẽ thấy máu dính trên giấy, về sau máu ra nhiều hơn, thành giọt theo sau cục phân, muộn hơn thì cứ ngồi xổm đại tiện là máu chảy ra.

– Đau và ngứa, có cảm giác khó chịu ở hậu môn: nếu mới bị thì có thể không có triệu chứng này, tuy nhiên đau càng tăng khi có biến chứng sưng, viêm hoặc tắc mạch búi trĩ.

– Sưng nề vùng hậu môn khi có đợt cấp hoặc trĩ sa ra ngoài, có thể búi trĩ sưng khá to và ta có thể sờ thấy dễ dàng.

Trên đây là những triệu chứng điển hình của bệnh nhân trĩ. Muốn xác định chắc chắn bệnh trĩ, ngoài việc nhìn sờ nếu thấy búi trĩ xa ra ngoài cần phải thăm trực tràng bằng tay và soi trực tràng. Qua soi sẽ xác định được độ tổn thương của búi trĩ, số lượng kích thước và vị trí các búi trĩ.

4. Đánh giá mức độ bệnh dựa vào cái gì?

Vùng hậu môn trực tràng có hai đám rối tĩnh mạch, đám rối tĩnh mạch trĩ trên nằm trên vùng lược, tạo nên trĩ nội nằm trong lòng hậu môn trực tràng được phủ bởi niêm mạc nhưng khi quá to thì sa xuống nằm ngoài ống hậu môn; đám rối tĩnh mạch trĩ dưới tạo nên trĩ ngoại luôn luôn nằm ngoài ống hậu môn và được da che phủ.

Cả trĩ nội và trĩ ngoaị thường có ba búi trĩ: búi phải trước, búi phải sau và búi trái; nếu bệnh nhân đến muộn có thể xuất hiện các búi trĩ phụ nằm xen kẽ giữa các búi chính. Khi tất cả các búi trĩ đó liên kết với nhau gọi là trĩ vòng.

Khi có cả trĩ nội và trĩ ngoại, lúc đầu chúng được phân cách với nhau bằng vùng lược, về sau dây chằng Parks bị nhẽo trĩ nội thông với trĩ ngoại tạo thành trĩ hỗn hợp. Phần lớn bệnh nhân khi đến khám là trĩ vòng hoặc trĩ hỗn hợp. Vì vậy khi thăm khám phải xác định chính xác mức độ của trĩ để chọn phương pháp điều trị thích hợp.

– Trĩ nội độ 1: các tĩnh mạch giãn nhẹ, đội niêm mạc phồng lên vào trong lòng trực tràng

– Trĩ nội độ 2: các tĩnh mạch giãn nhiều hơn tạo thành các búi rõ rệt, khi rặn nhiều thì búi trĩ thập thò ở lỗ hậu môn, khi đại tiện xong thì búi trĩ lại tụt vào trong.

– Trĩ nội độ 3: cứ mỗi khi đi đại tiện hoặc đi lại nhiều, búi trĩ lại sa ra ngoài, mỗi lần sa ra ngoài phải dùng tay ấn nhẹ mới tụt vào trong.

– Trĩ nội độ 4: các búi trĩ khá to, thường liên kết với nhau tạo thành trĩ vòng. Bệnh nhân có cảm giác bũi trĩ thường xuyên nằm ngoài hậu môn.

5. Biến chứng nào có thể xảy ra?

– Chảy máu: trĩ là do giãn mạch máu nên rất dễ rách, dễ vỡ gây chảy máu nhiều.

– Sa trĩ: lúc đầu trĩ sa ra ngoài và tự co hoặc nhét lên được, về sau luôn nằm ở ngoài hậu môn, khi đó trĩ sẽ sưng nề bầm tím, nghẹt rất khó chịu.

– Trĩ bị tắc nghẽn: do cục máu đông tụ lại, làm búi trĩ sưng to rất đau, căng bóng.

– Trĩ bị viêm nhiễm:

6. Điều trị và dự phòng như thế nào

Trước hết cần ngăn chặn các yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh trĩ bằng cách:
Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà, các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu.
Uống nước đầy đủ.
Ăn nhiều chất xơ.
Tập thể dục và chơi các môn thể thao nhẹ như bơi lội, đi bộ.
Điều trị các bệnh mạn tính hiện có như viêm phế quản, dãn phế quản, bệnh lỵ..
Tập thói quen đi cầu đều đặn hàng ngày.

Khi phát hiện bị trĩ cần đi khám để có chẩn đoán và điều trị hợp lý, không nên tự ý sử dụng thuốc dễ gây ra nhiều biến chứng.

– Điều trị nội khoa:
Vệ sinh tại chỗ bằng ngâm nước ấm 15 phút / lần x 2 – 3 lần/ngày. Có thể sử dụng thuốc uống có tác dụng trợ tĩnh mạch, dẫn xuất từ flavonoid ( như Daflon 500) cùng với các thuốc đặt tại chỗ là các tác nhân kháng viêm, vô cảm tại chỗ…
Tuỳ theo mức độ tổn thương, vị trí và số lượng búi trĩ mà có thể sử dụng các biện pháp điều trị vật lý như tiêm xơ, thắt vòng cao su, quang đông hồng ngoại… khi trĩ đã có biến chứng thì phải điều trị bằng ngoại khoa mới có kết quả.
Với trĩ ngoại, điều tị nội khoa đơn thuần trong trường hợp trĩ ngoại phù nề, điều trị thủ thuật với các trường hợp trĩ gây tắc mạch đau, điều trị phẫu thuật với các đám rối tĩnh mạch đã giãn nở lớn.

theo http://www.benhhoctieuhoa.com

Ung thư thực quản – đôi điều cần biết

Bác sỹ Lê Quang Thuận ( nguồn skds)

Ung thư thực quản (UTTQ) là bệnh lý ác tính đứng hàng thứ tư sau các ung thư tiêu hóa là ung thư dạ dày, ung thư gan và ung thư đại trực tràng. Phần lớn bệnh UTTQ xuất hiện ở người cao tuổi, thường trên 50 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Điều đặc biệt là triệu chứng của bệnh thường không xuất hiện cho tới khi khối u đã phát triển rõ. Vì vậy việc phát hiện sớm để điều trị hợp lý và kịp thời là rất quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc phần nào hiểu biết về bệnh lý này.

1. Những biểu hiện của UTTQ.

Nuốt khó là triệu chứng thường gặp nhất, lúc đầu thường thấy nuốt khó nhưng không đau, về sau nuốt khó kèm theo đau, lúc đầu khó nuốt với thức ăn rắn, về sau khó nuốt với cả thức ăn lỏng thậm chí nuốt nước bọt cũng thấy khó và đau. Các triệu chứng khác có thể gặp song hành với sự phát triển của khối u như cảm giác vướng, tức nặng, đau âm ỉ đè nén sau xương ức… Về sau, tùy theo ảnh hưởng của khối u tới các cơ quan lân cận có thể gặp thêm các triệu chứng khó thở, khàn giọng, ho khan, khạc đờm; đau thượng vị, buồn nôn, nôn, nấc…

Khối u ảnh hưởng tới toàn thân làm bệnh nhân sốt, mệt mỏi, xanh xao, ăn uống kém, gầy sút cân rõ rệt. Thậm chí khi được phát hiện muộn đã có nhiều biến chứng như viêm thủng thực quản vào trung thất gây khó thở đột ngột, tràn khí dưới da; rò thực quản vào khí phế quản làm thức ăn vào đường hô hấp gây viêm phổi, áp-xe phổi… Nếu không được điều trị kịp thời, phần lớn bệnh nhân UTTQ sẽ suy kiệt và chết do không ăn uống được mặc dù vẫn có cảm giác thèm ăn.

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây UTTQ.

UTTQ có liên quan nhiều với tuổi tác và giới, thường gặp UTTQ ở người cao tuổi, khoảng 80% bệnh nhân được chẩn đoán UTTQ ở độ tuổi 55-85. Nguy cơ nam giới mắc nhiều gấp 3 lần nữ, căn nguyên của nguy cơ này là do lạm dụng rượu và hút thuốc. Hút thuốc làm tăng rõ rệt khả năng bị ung thư và nguy cơ càng tăng lên khi phối hợp với uống rượu.

Ngoài ra còn có các nguy cơ khác như bệnh hay gặp ở người béo phì; người có bệnh lý thực quản như viêm thực quản trào ngược, bệnh tâm vị không giãn; chế độ ăn ít chất xơ và rau quả, thiếu các vitamin A, B2 và C; thói quen ăn uống các thực phẩm có chứa chất nitrosamin như thịt hun khói, rau ngâm giấm…

3. Có thể chẩn đoán sớm UTTQ không?

Chẩn đoán sớm UTTQ là vấn đề hết sức quan trọng, việc chẩn đoán sớm liên quan với việc khám sức khỏe định kỳ sàng lọc ở các đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, nghiện thuốc lá, nghiện rượu, người bị béo phì, có bệnh lý thực quản từ trước như viêm trào ngược dạ dày thực quản, tình trạng dị sản, loạn sản niêm mạc thực quản. Khi có bất kể dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân cần tới thầy thuốc chuyên khoa để được khám và chẩn đoán sớm. Chẩn đoán UTTQ dựa vào triệu chứng của bệnh kết hợp với chụp Xquang thực quản và các xét nghiệm khác. Nội soi kết hợp với sinh thiết, siêu âm là một biện pháp tốt để chẩn đoán sớm và chính xác UTTQ.

4. Về điều trị .

Thầy thuốc sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, dựa vào bản chất, giai đoạn phát triển của khối u và tình trạng toàn thân để quyết đinh phương pháp điều trị phù hợp. Hiện nay có 3 biện pháp chủ yếu được dùng để điều trị UTTQ là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Trong đó phẫu thuật là biện pháp điều trị chính, có thể phẫu thuật kết hợp với điều trị bằng hóa chất hoặc tia xạ. Ngoài ra cần điều trị nâng đỡ cơ thể bằng các biện pháp nuôi dưỡng phù hợp, điều trị triệu chứng, làm giảm các phản ứng phụ do điều trị hóa chất và tia xạ.

Phòng ngừa UTTQ cần tránh các yếu tố nguy cơ đồng thời với tăng cường các yếu tố bảo vệ. Rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được ví như bạn không nên hút thuốc lá, giảm uống rượu, tránh các thực phẩm có hại, kiểm soát và phòng ngừa các bệnh lý thực quản. Tăng cường các yếu tố bảo vệ bằng cách ăn nhiều rau quả và các chất xơ, bổ sung các vitamin và yếu tố vi lượng cần thiết đặc biệt là vitamin A, B2, C, E, selen.

Một điều cần nhấn mạnh là triệu chứng của UTTQ thường không xuất hiện cho tới khi khối u đã phát triển rõ vì vậy bệnh cần được phát hiện sớm, chỉ có như vậy việc điều trị mới cho kết quả tốt nhằm mục tiêu kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Chậm tiêu cơ năng – vấn đề cần quan tâm

Chậm tiêu cơ năng là một thuật ngữ dùng để chỉ sự khó chịu ở vùng thượng vị có liên quan đến sự rối loạn của ống tiêu hóa trên, với đặc điểm đau bụng vùng thượng vị tái phát hoặc cảm giác khó chịu vùng bụng trên mà không có tổn thương thực thể như viêm loét hay ung thư dạ dày…

Đây là một trong những chẩn đoán thường gặp nếu bệnh nhân được khám xét một cách cẩn thận và hợp lý. Tần suất của bệnh lý này cũng tương đối cao (khoảng 20 – 25% dân số), nhưng phần lớn chưa được quan tâm một cách đầy đủ cả ở phía thày thuốc cũng như bệnh nhân.

1. Tại sao chúng ta bị chậm tiêu cơ năng?

Cho đến nay nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của chậm tiêu cơ năng chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, tuy nhiên có một vài yếu tố sau thường được nhắc đến trong bệnh sinh của chậm tiêu cơ năng

Rối loạn làm vơi dạ dày: Các kỹ thuật thăm dò hiện đại cho thấy có 3 vấn đề chính thường xảy ra trong vấn đề rối loạn làm vơi dạ dày đó là kém vận động vùng hang vị hay còn gọi là liệt dạ dày; cường vận động dạ dày không hiệu lực; hoặc rối loạn vận động tá tràng biểu hiện là tá tràng tăng vận động nhưng không đồng bộ với dạ dày.

Bệnh dạ dày tá tràng không loét.

Hiệu số điện thế niêm mạc: do có sự suy giảm hàng rào niêm mạc dạ dày.

Trào ngược tá tràng dạ dày.

HP và các loại vi khuẩn khác.

Yếu tố tâm lý: lo lắng là vấn đề thường thấy ở bệnh nhân chậm tiêu, người ta cũng nhận thấy khoảng 50% bệnh nhân chậm tiêu cơ năng gia tăng độ nhạy cảm thụ thể trung ương với Serotonin.

Rối loạn vận động túi mật: thường thấy là do bất đồng trong vận động cơ vòng oddi ở bệnh nhân chậm tiêu ở cơ năng.

2. Chậm tiêu cơ năng biểu hiện như thế nào?

Bệnh cảnh lâm sàng chính là cảm giác đau và khó chịu vùng bụng nhất là vùng thượng vị sau ăn bao gồm rất nhiều mức độ khác nhau từ cảm giác khó chịu, nóng ran, đau tức hoặc cảm giác căng tức, cảm giác mau no, buồn nôn… các triệu chứng này phải kéo dài trên 3 tháng và ít nhất 3 đợt. Các triệu chứng này thay đổi theo thời gian và tùy thuộc vào loại hình của chậm tiêu cơ năng:

Chậm tiêu dạng loét: ngoài biểu hiện của chậm tiêu bệnh nhân còn có thêm các triệu chứng như đau giảm sau khi ăn hoặc uống các thuốc kháng toan, đau có tình chất chu kỳ và đôi khi đau về đêm làm bệnh nhân thức giấc.

Chậm tiêu dạng vận động: ngoài biểu hiện chậm tiêu còn có các triệu chứng khác như buồn nôn và nôn, cảm giác mau no hoặc chán ăn, có thể có cảm giác chướng bụng hoặc ợ hơi quá nhiều.

Chậm tiêu dạng trào ngược: có những biểu hiện như chứng nóng sau xương ức hoặc có biểu hiện trào ngược đi kèm với các biểu hiện chậm tiêu.

Chậm tiêu không đặc hiệu: đó là các trường hợp bệnh nhân có đầy đủ các biểu hiện của chậm tiêu cơ năng nhưng không phù hợp với các loại hình trên đây vì tính chất không đặc hiệu của nó.

Cần hết sức chú ý, trước khi chẩn đoán chắc chắn là chậm tiêu cơ năng cần nội soi dạ dày tá tràng để loại bỏ tổn thương thực thể, ngoài ra cần làm siêu âm để chẩn đoán loại trừ với các bệnh lý khác như cơn đau quặn gan do sỏi mật.

3. Chậm tiêu cơ năng được điều trị như thế nào?

Để điều trị có hiệu quả trước hết cần khai thác được các thông tin hữu ích từ phía bệnh nhân, đặc biệt là các thói quen sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà, thuốc lá…, những thuốc bệnh nhân đã dùng trước đó nhất là các thuốc chống viêm steroid hoặc non – steroid. Bệnh nhân béo phì cần được giảm cân và bệnh nhân có căng thẳng về mặt tâm lý cần được sử dụng tâm lý liệu pháp trong điều trị.

Ngoài ra cũng cần chú ý đến thời gian xuất hiện triệu chứng, nếu triệu chứng đã kéo dài nhưng không ảnh hưởng đến đời sống bệnh nhân thì cũng không cần điều trị, hoặc nếu triệu chứng mới xuất hiện thì cũng cần theo dõi một thời gian để xác định chẩn đoán trước khi điều trị. Ngược lại, nếu triệu chứng đã nặng và ảnh hưởng đến đời sống của bệnh nhân thì cần điều trị. Khi đó cần cân nhắc sử dụng các loại thuốc để điều trị có hiệu quả nhất và ít tác dụng phụ nhất.

Có rất nhiều thuốc có thể sử dụng trong điều trị chậm tiêu cơ năng, tuy nhiên liệu trình điều trị tối ưu cho đến nay vẫn chưa được xác đụnh rõ, tùy theo loại hình chậm tiêu mà có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp các thuốc. Có một số nhóm thuốc hay được sử dụng:

Nhóm thuốc đồng vận: hai nhóm thuốc thường được sử dụng trong trường hợp này là thuóc ức chế thụ thể Dopamin và Cisaprid.

Thuốc ức chế acid: phần lớn bệnh nhân chậm tiêu cơ năng có triệu chứng mang tính chất rối loạn acid dạ dày gọi là dạng loét, nên thuốc ức chế acid hay được sử dụng, trong đó đáng chú ý là hai nhóm thuốc kháng thụ thể H2 và nhóm thuốc ức chế bơm proton. Ngoài ra thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày như prostaglandin cũng được sử dụng trong điều trị và cho kết quả khá tốt.

Điều trị nhằm vào HP: tùy theo nghiên cứu nhưng tần suất gặp HP trong chậm tiêu cơ năng khoảng 50%. Hiện nay tùy theo điều kiện có thể sử dụng Clarythoromycin, Tinidazole hay Amoxycilin, hoặc Metronidazole trong điều trị diệt HP, ngoài ra việc sử dụng Bismuth trong điều trị diệt HP cho kết quả khá tốt.

Tóm lại chậm tiêu cơ năng là một rối loạn thường gặp, tuy nhiên chỉ có một số ít bệnh nhân cần được điều trị, vấn đề chọn bệnh nhân và chọn phác đồ điều trị là một vấn đề hết sức quan trọng, vì vậy tất cả các bệnh nhân khi có biểu hiện như trên đều không nên tự ý dùng thuốc mà phải đến các cơ sở y tế có uy tín để khám, chẩn đoán chính xác từ đó bác sỹ sẽ đưa ra lời khuyên cần thiết nhất.

theo http://www.benhhoctieuhoa.com

Cần làm gì khi bị tiêu chảy

Được gọi là tiêu chảy cấp khi tiêu chảy kéo dài dưới 2 tuần, trong trường hợp này phải hết sức chú ý vấn đề mất nước và điện giải; khi tiêu chảy kéo dài hơn 2 tuần thì gọi là tiêu chảy mạn lúc này hết sức chú ý vấn đề rối loạn hấp thu dẫn dến suy dinh dưỡng…

Tiêu chảy là tình trạng đi đại tiện nhiều lần trong ngày ( thường là > 3 lần/ ngày ), phân lỏng có nhiều nước… do ruột bị kích thích và co thắt nhiều hơn, đẩy thức ăn và nước ra ngoài kéo theo các chất điện giải. Có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy như thay đổi chế độ ăn, dị ứng thức ăn, nhiễm virus hay vi khuẩn, viêm ruột hoặc do kháng sinh, do thuốc kháng acid có chứa magie…Các thuốc trị tiêu chảy được đề cập ở đây chỉ là các thuốc chữa trị triệu chứng bù nước và điện giải, làm giảm sự co thắt ở ruột, sửa chữa sự rối loạn tiết dịch do đó làm giảm đau bụng và làm giảm số lần đi đại tiện.

1. Dung dịch bù nước và điện giải.

Tuy không điều trị được nguyên nhân nhưng đây là biện pháp căn bản để chống mất nước và điện giải từ đó tránh được các rối loạn do mất nước và điện giải gây ra.

Thường dùng là OSESOL ( 1 gói chứa 20gam glucose khan, 3,5 gam natriclorit; 2,9 gam natricitrat và 1,5 gam kaliclorit ) 1 gói pha trong 1 lít nước sôi để nguội, uống liên tục trong ngày, tùy theo mức độ mất nước có thể sử dụng 2 – 3 gói trong ngày.

Có thể thay thế OSESOL bằng viên Hydrit, mỗi lần uống 1 viên pha vào 200ml nước.

Cần chú ý pha thuốc đúng tỷ lệ, nếu quá loãng sẽ không cung cấp đủ lượng chất điện giải cần thiết, nếu quá đặc sẽ dẫn đến tình trạng quá tải các chất điện giải.

2. Thuốc làm giảm nhu động ruột.

Thuốc làm giảm sự co bóp của ruột nên nước và chất điện giải di chuyển trong ruột chậm hơn, từ đó làm tăng sự hấp thu nước và điện giải trong lòng ruột vì thế làm tăng độ đặc của phân. Không dùng thuốc trong các trường hợp tiêu chảy do nhiễm khuẩn, chỉ dùng trong các trường hợp như tiêu chảy do chế độ ăn, do dị ứng…

Loperamid: viên 2mg. Đây là thuốc chống tiêu chảy có gốc á phiện không tác dụng lên thần kinh trung ương ở liều điều trị. Thải trừ qua phân 90%, 10% qua nước tiểu, rất ít qua sữa mẹ. Tác dụng không mong muốn là gây táo bón, ban chẩn, nếu dùng quá liều có thể gây liệt ruột và gây ức chế hệ thần kinh trung ương. Không dùng loại dung dịch cho trẻ dưới 2 tuổi và loại thuốc viên cho trẻ dưới 8 tuổi. Cân nhắc khi sử dụng cho người suy gan, phụ nữ có thai 3 tháng đầu.

Diphenoxynat: viên 2,5mg, cũng là thuốc trị tiêu chảy gốc á phiện có thêm 0,025mg atropine, thuốc được thải trừ qua phân. Tác dụng không mong muốn là gây khô miệng, buồn ngủ, táo bón; hiếm hơn là gây nôn mửa, nhức đầu, ngứa. Dùng quá liều có thể gây ức chế hô hấp dẫn đến hôn mê. Không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú, nhiễm khuẩn nặng đường tiêu hóa.

3. Thuốc kháng tiết ở ruột non.

Thuốc có tác dụng ức chế men encephalinase (là men phụ trách thoái hóa encephalin nội sinh ở não và ruột) làm ức chế tiết ở ruột do độc tố của vi khuẩn tả hoặc do viêm mà không làm giảm dịch tiết cơ bản khác. Thuốc hấp thu nhanh qua ống tiêu hóa, đạt đỉnh điểm sau khi uống 1h, thời gian tác dụng khoảng 8h. Thuốc đôi khi gây buồn ngủ, cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.

4. Thuốc dẫn xuất từ nấm men và vi khuẩn.

antibiophilus, byosybtin…Các nấm men không gây bệnh, đề kháng với kháng sinh, cung cấp các enzyme, các acid amin, và các vitamin nhóm B, nó ức chế sự phát triển của Candida albica và một số vi khuẩn khác ( đặc biệt là các vi khuẩn xuất hiện khi dùng kháng sinh). Với đa số các thuốc này không nên dùng chung với các kháng sinh đường uống nhất là các kháng sinh phổ rộng.

5. Các chất hấp phụ.

Là những silicat thiên nhiên hoặc nhựa polyacryl thán nước, có khả năng hút nước rất nhiều làm tăng độ đặc của phân. Thuốc không được hấp thu vào máu và được đào thải theo phân mang theo các chất mà chúng đã hấp phụ, do đó không dùng chung với nhóm làm giảm nhu động ruột. Ngoài ra cần chú ý dùng các thuốc khác cách xa thuốc này khoảng 2 tiếng.

Một số thuốc hay dùng của nhóm này như Gelopectose (gồm có pectin, cellulose, silice, dextrin – maltose, natri clorit), Sacolen (thành phần có lactoprotein methylelic),…

Ngoài ra trong đông y còn hay sử dụng thuốc berberin là alcaloit chiết xuất từ các cây vàng đắng, hoàng liên, hoàng bá, hoàng đằng. thuốc có tác dụng diệt lỵ amíp, một số vi khuẩn gây bệnh đường ruột.

Tóm lại điều trị tiêu chảy có rất nhiều thuốc và cũng có rất nhiều chú ý kèm theo. Trước khi tính đến việc dùng thuốc cầm tiêu chảy bao giờ cũng phải nghĩ đến việc bù nước và điện giải nhất là với trẻ em. Cần đến khám ở các cơ sở y tế khi đã dùng thuốc mà các triệu chứng không cải thiện hoặc tiêu chảy có kèm theo sốt, nôn, người bệnh có tình trạng mất nước mắt trũng, môi khô, ít nước tiểu, lú lấn, lơ mơ…và người bị bệnh tiêu chảy vẫn ăn uống bình thường những loại thức ăn nấu chín dễ tiêu, tránh các các thức ăn nhiều dầu mỡ, các chất tanh.

theo http://www.benhhoctieuhoa.com