Daily Archives: October 5, 2008

CỎ LÀO – KHÁNG SINH KHÁNG VIÊM TỐT

Cỏ Lào còn có tên là Yến Bạch, Cỏ hôi, Cỏ Việt Minh, Cây Cộng sản, Cây Lốp bốp, Cây Ba bớp, Cây Phân xanh, Cỏ Nhật. Tên khoa học: Chromolaena odorata (L) King et Robinson hoặc Eupatorium odoratum L. Họ Cúc (ASTERACEAE).

Cỏ Lào là một loại cây nhỏ mọc thành bụi, thân hình trụ thẳng cao tới hơn 2 mét, có nhiều cành. Lá mọc đối, lúc non hình tam giác, dài 5 – 10cm, rộng 3 – 6cm; khi cây trưởng thành, lá biến dạng thành hình quả trám lệch.

Đầu lá nhọn, mép có răng cưa thưa, có lông thưa và ngắn ở cả hai mặt lá và ngọn cành. Vò lá và cành non có mùi thơm hắc. Cụm hoa đầu, hình trụ dài 9 – 11mm, đường kính 5 – 6mm. Lúc mới nở, hoa màu xanh tím nhạt, sau trắng. Quả bé, nhỏ dài, đầu có túm lông nên có thể phát tán đi rất xa nhờ gió. Mùa hoa tháng 11 – 12 dương lịch.

Ở Việt Nam, Cỏ Lào phân bố nhiều nhất ở trung du, miền núi thấp, ngay ở ngoại thành Hà Nội cũng thấy những bụi lớn cỏ Lào mọc ven đường. Cây có thể sinh sản vô tính rất mạnh. Ngọn non, cành già bẻ trụi lá, cắm xuống đất chỉ một tuần sau là mọc rễ trắng. Chặt cây sát gốc càng đâm chồi mạnh. Mãi đến năm 1935 các nhà thực vật học mới ghi nhận cây Cỏ Lào ở Việt Nam. Vì vậy nó có tên là Cỏ Nhật, Cỏ Việt Minh, Cây Cộng sản.

Các nhà khoa học nông nghiệp thấy nông dân hái ngọn và lá Cỏ Lào làm phân xanh nên nghiên cứu thành phần hoá học thấy giàu đạm, lân, kali. Lá và ngọn non cỏ Lào chứa: Đạm 2,65%, Kali (K2O) 2,48%, Lân (P2O5) 0,5%, tanin, ancaloid, tinh dầu.

Năm 1976, Viện Nghiên cứu Y học quân sự công bố kết quả nghiên cứu: Tác dụng chống viêm, tác dụng kháng khuẩn, liều độc của Cỏ Lào. Tác dụng chống viêm: Lá, thân, rễ Cỏ Lào đều có tác dụng, nhưng lá mạnh hơn cả. Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc Cỏ Lào có tác dụng ức chế vi khuẩn gây mủ trên vết thương và ức chế trực khuẩn lỵ Shigella.

Liều độc LD 50 trên chuột nhắt: Thân 160g/kg thể trọng. Lá 135g/kg thể trọng. Rễ 120g/kg thể trọng.

* Năm 1983 chúng tôi đã nghiên cứu xác định:
Hiệu lực kháng khuẩn của Cỏ Lào theo tháng và theo tuổi. Ngọn non và lá bánh tẻ thu hái trong các tháng đều có hiệu lực như nhau. Ngọn có nụ hiệu lực kháng khuẩn kém (điều này khác với các dược liệu khác, khi có nụ là lúc hoạt chất cao nhất).

So sánh giữa dược liệu tươi, khô và các dung môi chiết suất khác nhau thấy: Dược liệu tươi chiết bằng nước nóng 80oC ít tạp chất và có hiệu lực kháng khuẩn cao nhất, so với dược liệu khô và dung môi cồn. Cao đặc và cao khô (chiết từ dược liệu tươi bằng nước nóng 80oC) bảo quản được lâu (sau 1 năm không mốc) và giữ nguyên hiệu lực kháng khuẩn. Cao khô Cỏ Lào hút nước mạnh hơn cao khô dược liệu khác.

Chúng tôi thấy rằng sử dụng Cỏ Lào làm nguyên liệu sản xuất thuốc kháng viêm, kháng khuẩn thực vật, bổ sung cho các thuốc kháng khuẩn chế từ vi sinh vật đang bị kháng thuốc là một hướng mới cần được chú ý.

DS. Trần Xuân Thuyết_CTQ số 20


CÂY CỎ LÀO CÓ THỂ CHỮA BỆNH NAN Y

Dịch chiết từ lá cây cỏ lào, ở những nồng độ nhất định có tác dụng kích thích sự tăng trưởng của tế bào gốc dây cuống rốn. Đây sẽ là cơ sở để tiến hành nghiên cứu các chế phẩm điều trị bệnh nan y.

Th.S Mai Mạnh Tuấn, Khoa Nghiên cứu Đông y Thực nghiệm bệnh, Viện Y học Cổ truyền T.Ư cho biết. Ví dụ như điều trị vết loét do biến chứng ở bệnh nhân đái tháo đường. Thông thường, những bệnh nhân này phải mang thương tật suốt đời hoặc phải cắt bỏ chi trở thành tàn phế.

Để điều trị, bác sĩ dùng tiêm một ít tế bào vào dưới vùng thương tổn để hỗ trợ các tế bào khu vực đó. Sau đó, trộn một ít hỗn hợp gel – tế bào gốc bôi lên bề mặt vết thương.

Chỉ sau 3 tháng điều trị, mỗi tuần ghép tế bào 2 lần, vết loét của bệnh nhân có thể liền hẳn. Ngoài ra, ghép tế bào gốc còn được ứng dụng trong điều trị ung thư, ghép giác mạc và phẫu thuật thẩm mỹ.
Tuy nhiên, theo Th.S Mai Mạnh Tuấn, hiện nay, việc nuôi cấy tế bào gốc còn đang gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, nhu cầu điều trị lại rất lớn.

Theo kinh nghiệm dân gian cổ truyền, cỏ lào được dùng để điều trị nhiều căn bệnh như: Lỵ cấp tính, viêm đại tràng, ghẻ lở, cầm máu, chống viêm, chữa liền vết thương…

Nghiên cứu trên bệnh nhân bỏng cho thấy, dịch chiết từ lá cây cỏ lào có hiệu quả ức chế vi khuẩn mạnh, có tác dụng kích thích biểu mô liền vết thương và giảm sưng viêm. Ngoài ra còn có tác dụng chữa vết thương ở mắt do xước hoặc loét giác mạc.

Hồng Hạnh (Theo Vnmedia)

Hỏi đáp về bệnh động kinh

Câu hỏi 1: Tôi có một cháu gái nay 5 tuổi, phát hiện bị động kinh co giật toàn thể lúc 3,5 tuổi . Các cơn co giật cách nhau một tháng. Đã điều trị cho cháu được 1,5 năm bằng thuốc depakine 500mg, gần đây nhất cháu bị co giật cách đây 8 tháng, nhưng theo điện não đồ cho thấy sóng động kinh không thuyên giảm nhiều, nên Bs. đang điều trị cho cháu đã chuẩn bị đổi thuốc điều trị. Xin hỏi:

Có nên thay đổi thuốc.
Loại thuốc nào có ít tác dụng phụ.
Cháu cao 1m15, nặng 24kg, học tốt, thông minh, hiếu động. Trong thời gian dùng thuốc cháu lên cân, hay nhức mỏi cơ, hay giận dỗi, chụp CT scan, não cháu không bị tổn thương, cơn giật của cháu kéo dài khoảng 10’. Chúng tôi luôn phải cấp cứu, mỗi lần cháu bị, và cháu đều biết trước khi bị, dấu hiệu đầu tiên là ói và mắt bị giật.

Trả lời : Trường hợp của cháu bé anh không mô tả rõ loại cơn động kinh của bé vì việc quan trọng đầu tiên là phải chẩn đoán được loại cơn động kinh và chọn lựa thuốc thích hợp tùy theo loại cơn động kinh.việc đầu tiên hiện nay là cần xác định rõ loại cơn động kinh để trên cơ sở đó chọn loại thuốc chống động kinh phù hợp với cơn. Riêng Depakin vốn là thuốc chống động kinh có phổ tác dụng khá rộng, nếu thích hợp với cơn của cháu thì vẫn có thể tiếp tục dùng nhưng cần ở liều cao hơn (sẽ do bác sĩ quyết định).
Tất cả các thuốc chống động kinh đều có tác dụng phụ riêng của nó và việc chọn lựa thuốc ít tác dụng phụ nhất phải tùy thuộc vào mỗi bệnh nhân và những tình trạng bệnh lý đi kèm.

Câu hỏi 2: Con tôi 14 tuổi , đã điều trị bằng thuốc depakine 3 năm nay (3v/ngày), và hiện nay đã ngưng điều trị. Loại bệnh của cháu là bị co giật toàn thân, chân tay co gắp, mắt trợn ngược và cơn co giật xảy ra khoảng 1 phút. Từ khi dùng thuốc cháu không còn cơn co giật nữa. Vậy trong sinh hoạt hằng ngày, cơn động kinh mới có thể xảy ra đột ngột nữa không? Và trong tương lai, bệnh cháu có thể trở lại không?

Trả lời : Tình trạng của bé hiện tại không có cơn động kinh trong ba năm và đã ngưng thuốc. Tuy nhiên khả năng cơn động kinh tái lại vẫn có thể xảy ra, điều này tùy thuộc vào bé bị hội chứng động kinh nào và nguyên nhân của động kinh là gì, ví dụ như nếu trẻ bị hội chứng động kinh giật cơ ở thiếu niên thì khi dùng thuốc thường trẻ đáp ứng rất tốt, tuy nhiên khi ngưng thuốc thì khả năng cơn động kinh tái lại rất cao. Cháu cần được tiếp tục theo dõi và tránh các yếu tố gợi cơn ví dụ như thức khuya, để bụng đói v.v…

Câu hỏi 3: Con tôi bị động kinh lúc nhỏ, đến 2-3 tuổi thì hết. Nhưng đến 18 tuổi thì bị trở lại, bây giờ đang uống Carbatol 200. Xin cho biết uống thuốc này lâu dài có tác hại gì không? Vì còn uống thuốc đến 5 năm.

Trả lời : Cháu bị cơn động kinh lúc 2-3 tuổi, do đó rất có khả năng là bị cơn động kinh do sốt (sốt cao co giật). Khi 18 tuổi thì bị cơn động kinh là do nguyên nhân khác, do vậy khi dùng thuốc nếu không có cơn động kinh thì thông thường bác sĩ sẽ tính từ lúc có cơn động kinh cuối cùng đến khoảng thời gian 2-5 năm sau thì sẽ bắt đầu ngưng thuốc thử và phải ngưng thật chậm và đúng cách. Nếu trong quá trình ngưng thuốc mà bệnh nhân bị tái phát lại cơn động kinh thì phải dùng lại thuốc.
Carbatol là một thuốc chống động kinh và là tên thương mại của carbamazepine. Thông thường thuốc chống động kinh có các tác dụng phụ trong thời gian đầu sau khi dùng, đặc biệt với trường hợp carbamazepine thì tác dụng phụ đáng ngại nhất là dị ứng da nặng. Tuy nhiên, nếu sau 10 tuần không có tác dụng phụ thì thường không có lo ngại nữa, ngoại trừ khi phải tăng liều thuốc hay khi bệnh nhân bị một bệnh khác hay dùng thuốc khác có thể gây tương tác thuốc. Một số thuốc khi dùng lâu dài có thể gây ra các tác dụng chuyển hóa như gây loãng xương, thiếu axít folic…

Câu hỏi 4: Con tôi bị động kinh lúc 5 tháng tuổi, đã đo điện não 3 lần, nhưng không phát hiện được gì. Giờ cháu được 10 tháng tuổi, đang uống thuốc depakine. Xin Bs. cho biết bệnh này có gây đau đầu hay khó ngủ không? Vì từ lúc bệnh đến giờ, khi ngủ cháu cứ trằn trọc và khóc hoài, (ban ngày cháu chơi giỡn bình thường)

Trả lời : Sau cơn động kinh người bệnh có thể bị đau đầu, tuy nhiên sau đó sẽ hết. Người ta cũng nhận thấy tỉ lệ đau đầu ở người bệnh động kinh cũng cao hơn người bình thường. Động kinh thường không ảnh hưởng đến giấc ngủ, tuy nhiên một số thuốc chống động kinh có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, hay khi người bệnh lo lắng quá cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Một số người bệnh có thể có các triệu chứng báo trước khi có cơn động kinh trong đó có một số biểu hiện liên quan giấc ngủ.
Trường hợp cháu cần được theo dõi kỹ về mặt chẩn đoán bệnh động kinh (có đúng là động kinh hay không? Tác dụng phụ của thuốc đối với cháu như thế nào, nhất là tác dụng độc trên gan).

Câu hỏi 5: Tôi bị động kinh từ năm 1996, được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Có chạy điện não và CT scan não. Kết luận rất bình thường. Trong thời gian chữa trị có lúc giảm, nhưng có lúc lại tăng lên. Hiện nay tôi đang được điều trị và lãnh thuốc tại khoa tâm thần bệnh viện Củ Chi. Khi dùng thì bệnh trạng cũng như thời gian điều trị ở Bv. Chợ Rẫy. Vậy tôi nên điều trị thế nào cho hợp lý.

Trả lời : Vấn đề quan trọng đầu tiên là cần phải có chẩn đoán chính xác loại cơn động kinh và hội chứng động kinh nào mà anh đang bị, vì nếu như dùng thuốc không phù hợp với chẩn đoán thì sẽ làm cho tình trạng bệnh không thuyên giảm mà đôi khi có thể làm nặng hơn. Nếu chẩn đoán và điều trị phù hợp mà tình trạng bệnh không thuyên giảm thì có khả năng là người bệnh bị tình trạng gọi là động kinh kháng trị nội khoa.

Câu hỏi 6: Em cháu lúc nhỏ bị sốt, thường hay bị co giật động kinh. Ở nhà chỉ điều trị cho dứt cơn, không điều trị liên tục. Đến khi lớn học bài nhiều thì động kinh bắt đầu xuất hiện sau những đợt thi. Mỗi lần động kinh em nhận ra được và báo cho gia đình biết trước. Đến năm 9 tuổi, ở nhà đưa em cháu đi trị và chần đoán tại Bv. Nhi đồng 1 điều trị được 3 năm, các cơn động kinh thưa dần và Bs. Đã ngưng thuốc. Ngưng thuốc được 6 tháng thì em cháu bị trở lại. Đi khám trở lại, Bs cho tiếp tục điều trị. Vậy em của cháu có nên tiếp tục điều trị hay không? Và điều trị bao lâu thì xong? Bệnh của em cháu có ảnh hưởng gì cho học tập sau này không? (Lúc 3 tuổi em cháu bị dừa rụng trúng đầu, ngất xỉu, đưa đi Nhi đồng 1 chụp ST scan , không thấy bất thường).

Trả lời : Em ấy có thể bị tình trạng gọi là động kinh cục bộ và một số trường hợp phải dùng thuốc kéo dài có khi là suốt đời.
Lúc 3 tuổi,bệnh nhân bị dừa rụng trúng đầu thì có thể không phải là nguyên nhân. Tuy nhiên, lúc nhỏ khi sốt hay có giật thì có khả năng bệnh nhân bị bệnh lý gọi là xơ cứng hồi hải mã.

Nếu hiện tại bệnh nhân không còn cơn động kinh, phát triển tâm thần kinh bình thường thì vẫn có thể đi học và hoạt động như một người bình thường (ngoại trừ cần lưu ý những hành động có thể nguy hiểm đến tính mạng như trèo cao, bơi lội…).

Câu hỏi 7: Nghe nói chuyện đều giọng 30 phút – 45 phút, người nghe cảm thấy chóng mặt, mệt, muốn xỉu. Có phải triệu chứng của bệnh động kinh không?

Trả lời : các triệu chứng trên không phải của động kinh.

Câu hỏi 8: Con trai tôi 14 tuổi, bị động kinh và bại não. Hiện đang dùng thuốc Rivotril (uống ¼ viên/ngày) Cháu đã ngưng cơn động kinh cách nay 9 năm. Nhưng nếu ngưng thuốc thì khoảng 2 tuần là cháu có biểu hiện gồng cứng người và 2 mắt mất hồn, nếu uống thuốc lại thì không còn triệu chứng đó nữa (ngưng thuốc theo yêu cầu của Bs. vì dự định cắt thuốc hẳn) Hỏi :
Làm thế nào để ngưng thuốc hẳn/ có nên không?
Hè 2006 tôi xuất cảnh. Vậy nếu không còn uống thuốc nữa mà cháu lên cơn thì sao?
Có nên hỏi Bs. điều trị để mua thuốc dự trữ mang theo dùng lâu dài?
Lời khuyên của Bs. dành cho chúng tôi.

Trả lời : Trường hợp của con chị tốt nhất nên tiếp tục dùng thuốc chống động kinh lâu dài. Tuy nhiên, tôi không rõ bệnh lý não của con chị là gì vì bại não chỉ là hậu quả của một bệnh lý nào đó như dị dạng phát triển não và các nguyên nhân gây ra bại não cũng là một yếu tố quan trọng để tiên lượng động kinh. Nếu không còn uống thuốc nữa mà cháu lên cơn động kinh thì phải dùng lại thuốc chống động kinh. Nếu chị đi xuất cảnh thì nên dự trữ đủ thuốc cho cháu cho đến khi cháu được các bác sĩ ở nước xuất cảnh khám và điều trị cho bé

Câu hỏi 9: Một phụ nữ 50 tuổi , bệnh động kinh, uống Dihydan và Rivotil, mỗi ngày uống 2 loại thuốc đó, về sau này có tác hại như thế nào? Có thể thay thế một phương thuốc nào tối ưu hơn? Đã đi chụp cắt lớp tại sao không phát hiện được sóng động kinh?

Trả lời : Chụp cắt lớp chỉ phát hiện các bệnh lý của não (nếu có). Muốn phát hiện được sóng động kinh thì phải đo điện não đồ, tuy nhiên không phải lúc nào đo điện não đồ cũng có thể phát hiện được sóng động kinh. Do vậy, chẩn đoán động kinh chủ yếu là dựa vào các triệu chứng lâm sàng.
Nếu dùng thuốc chống động kinh mà kiểm soát được cơn động kinh và không có tác dụng phụ quan trọng thì không nên thay bằng phương pháp khác. Khi dùng dihydan và rivotril có thể gặp một số biến chứng lâu dài như loãng xương, thiếu axit folic, thoái hóa tiểu não.

Câu hỏi 10: Bạn em bị chấn thương sọ não năm 2000 (16 tuổi), phẫu thuật khỏi. Nhưng lại bị cơn động kinh 1 năm 1 lần, bạn em không dùng thuốc điều trị gì cả, cho đến năm 2005 bạn em bị động kinh liên tục trong một tháng bị 2 lần. Đi khám, Bs bảo phải điều trị 2 năm. Nhưng bạn em muốn điều trị bằng biện pháp Y học cổ truyền. Vậy Phương pháp y học cổ truyền nào điều trị động kinh?

Trả lời : Để kiểm soát được cơn động kinh cách tốt nhất là dùng các thuốc chống động kinh. Hiện tại, chưa có phương pháp y học cổ truyền nào được chứng minh là kiểm soát được cơn động kinh. Vấn đề lựa chọn cách thức điều trị thì bạn nên để thầy thuốc quyết định và chọn lựa cho mình.

Bệnh lý GIẢM TRÍ NHỚ

Bạn đang đi vào bệnh lý GIẢM TRÍ NHỚ đã đến lúc bạn quan tâm đến TRÍ NHỚ của mình

Trí nhớ là gì ?
Trí nhớ là khả năng ghi, bảo tồn và nhớ lại một thông tin bất cứ lúc nào. Trí nhớ ở 3 mức độ:

Trí nhớ giác quan hay trí nhớ cực ngắn: trí nhớ về hình ảnh, âm thanh. Sau khi đã thấy một cách ý thức hay không một hình ảnh chưa hề biết trong vòng 3-5 phần trăm giây, người ta có thể mô tả cảnh tượng với sự chính xác, cùng hiện tượng đối với âm thanh

Trí nhớ ngắn hạn hay trí nhớ tức thì: khả năng nhớ lại trong một khoảng thời gian rất ngắn (

Trí nhớ dài hạn : là sự tích tụ toàn bộ các kỷ niệm, nó cần sự rèn luyện lặp đi lặp lại


Cơ chế của trí nhớ

Não bao gồm hàng triệu tế bào, gọi là nơ ron. Những tế bào này tạo ra nhiều nối kết truyền tin nhau bằng cách phóng ra các chất hóa học: gọi là chất dẫn truyền thần kinh (chất acetylcholine)

Khi não phát triển, và khi chúng ta học tập thì các nối kết được hình thành giữa các nơ ron. Những nối kết này tạo cho chúng ta trí nhớ và khả năng về trí tuệ. Nếu não không được kích thích liên tục, các nối kết giữa các nơ ron bị bẽ gãy, trí nhớ và khả năng trí tuệ của cá nhân đó sẽ phai dần

Giống như một cơ quan liên lạc, não là một giao diện giữa cơ thể và môi trường. Não nhận biết thông tin đến từ môi trường bên ngoài với sự giúp đỡ của năm giác quan: nghe, thấy, sờ, ngửi và nếm.

Não hợp nhất các thông tin này để nghiên cứu và chọn lựa một cách thích hợp trước khi phân bố thông tin đến các vùng não liên quan khác nhau như: Não điều phối, não thực hiện

Trong quá trình lão hóa, điều suy giảm thường gặp là tốc độ chức năng của não và khối lượng thông tin nó có thể xử lý trong một lúc


Tiến trình vận dụng trí nhớ đi qua 3 giai đoạn

Mã hóa: quan trọng nhất, là sự đạt được hay học hỏi thông để nhớ. Sự mã hóa lệ thuộc vào sự thấu hiểu và giác quan (thị giác, thính giác và khứu giác)

Lưu trữ: là sự giữ lại và bảo tồn các dữ liệu

Sự nhớ lại: cho phép khôi phục lại những thông tin thu được. Sự nhớ tự phát hay tự ý do sự gợi lại hay sự nhận biết. Sự nhớ lại tùy thuộc vào chất lượng mã hóa

Một não bình thường, bất kể ở tuổi tác nào đều có khả năng thực hiện ba chức năng này (mặc dù càng chậm hơn khi tuổi càng cao) miễn là cấu trúc thần kinh vẫn còn nguyên vẹn và não được kích thích đều đặn.

Thực ra các tế bào não bình thường giảm có thể được bù trừ nhờ sự phát triển của các hệ thống mới giữa các tế bào này, một hiện tượng gọi là sự tái tạo thần kinh

Nguyên tắc cơ bản đối với trí nhớ là làm cho não hoạt động dù tiến triển của tuổi tác

Các trường hợp suy giảm trí nhớ nhẹ liên quan đến tuổi tác phải được phát hiện, lường trước và giữ gìn. Ở hầu hết các trường hợp, nếu một người có cố gắng kích thích trí nhớ, thì người đó có thể vượt qua sự suy giảm trí nhớ này.


Cải thiện trí nhớ của bạn

Trước tiên, hãy nói với Bác sĩ về chứng hay quên của bạn và những khó khăn, rắc rối có thể gây phiền toái cho bạn. Bác sĩ có thể hiểu rõ hơn về trí nhớ của bạn, cách hoạt động của nó và đề ra những giải pháp thích hợp cho bạn (như luyện tập trí nhớ, ghi toa thuốc hay chỉ là những mẹo đơn giản để giúp bạn nhớ lại)

Luyện tập trí nhớ hàng ngày

Xem truyền hình, cuối mỗi bộ phim cố gắng nhớ lại cốt truyện, chủ đề và các nhân vật
Đi mua sắm, khi trở về hãy cố nhớ lại bạn đã mua những gì và đã gặp những ai.

Thực hiện những sinh hoạt mới

Bạn cần làm điều gì đó khác với những hoạt động thường ngày để tạo những kích thích liên tục cho não. Làm vườn, đi bộ, đi dã ngoại cuối tuần, chơi một môn thể thao khác, học hỏi kỹ năng mới hay chỉ là cố gắng làm một món ăn mới

Luyện tập sự chú ý và tập trung
Hãy đọc báo hàng ngày sẽ cho bạn những điểm mốc thời gian. Trong khi đọc nếu bạn thấy sự chú ý của bạn kém đi, bạn hãy ngừng đọc, hãy thư giãn một chút rồi mới tiếp tục đọc báo sau đó

ĐỪNG QUÊN

Hãy ý thức thời gian trôi qua, nên quản lý tốt thời gian cho phép bạn gói ghém các hoạt động nhiều hơn trong không gian của một ngày. Thời gian của bạn sẽ được tổ chức tốt hơn và sự tự tin của bạn được củng cố


Tuân thủ nhịp sinh học
Không nên bắt đầu một “hoạt động trí tuệ” sau một bữa ăn hay vào buổi tối. Sự chú ý của bạn sẽ giảm hơn vào những lúc này


Nên có một giấc ngủ tốt

Rất cần thiết vì trí nhớ của bạn được củng cố trong một số giai đoạn của giấc ngủ

Tránh sự mệt mỏi, lo lắng và sự cô đơn

Tất cả điều này là những yếu tố phá vỡ trí nhớ do đó đừng nên buồn phiền, căng thẳng hay nổi giận.


ĐIỀU TRỊ

Một số thuốc và vitamins như Gingko Biloba (EGb761, Tanakan), Vitamine E, DHEA, aspirin, oestrogen và DHA có thể giúp cải thiện trí nhớ của bạn bằng cách gia tăng sự chú ý và tập trung. Năm 2003, Tổ chức Y tế thế giới đã xếp EGb761 vào loại thuốc chống sa sút trí tuệ cùng với các thuốc kháng cholinesterase. Nên đến các trung tâm về trí nhớ để kiểm tra tình trạng trí nhớ của bạn

HÃY DUY TRÌ TRÍ NHỚ CỦA BẠN BẰNG CÁCH GIỮ CHO BẠN HÀNG NGÀY ĐỀU BẬN RỘN, VẪN TIẾP TỤC HỌC HỎI VÀ QUAN TÂM ĐẾN THẾ GIỚI CHUNG QUANH BẠN

Bỏng điện

I.Đại cương
Khi luồng điện dẫn truyền vào cơ thể sẽ gây các tổn thương bệnh lý toàn thân hoặc tại chỗ.

Cần phân biệt 2 loại tổn thương:
– Do tia lửa hồ quang điện
– Do luồng điện dẫn truyền vào cơ thể.

Bỏng do tia lửa điện: có nhiệt độ rất cao từ 3200 – 48000C, thời gian tác dụng rất ngắn 0,2 – 1,5 giây; 80% nhiệt năng bức xạ ánh sáng của tia lửa điện là chùm tia hồng ngoại thường gây nên bỏng nông, bỏng các phần hở của cơ thể và bỏng phía cơ thể hướng về phía tia lửa điện. Nếu điện thế cao trên 1000 von có thể gây bỏng trung bì và bỏng sâu.

Tổn thương do luồng điện dẫn truyền vào cơ thể bao gồm: tổn thương tại chỗ (bỏng) và tổn thương toàn thân (ngừng hô hấp, ngừng tim, sốc điện). Sét đánh cũng là một hiện tượng bỏng điện có hiệu thế cao hàng triệu von.

II. Cơ chế bỏng điện
Tính chất nặng của bỏng do luồng điện phụ thuộc vào các yếu tố:
1. Kiểu dòng điện: một chiều hoặc xoay chiều.
2. Hiệu thế dòng điện: cao thế hoặc hiệu thế thấp.
3. Điện trở của mô cơ thể.
4. Cường độ dòng điện khi truyền qua cơ thể.
5. Thời gian dòng điện truyền qua cơ thể.
6. Đường truyền qua cơ thể.

Luồng điện có hiệu thế cao là từ 1000 von đến 50.000 von

Luồng điện khi dẫn truyền qua cơ thể sẽ theo con đường nào ít điện trở nhất. Luồng điện đi qua tim, não thường gây nguy hiểm đến tính mạng người bị bỏng.

Khi luồng điện qua cơ thể gặp các phần có điện trở lớn (da, xương) thì điện năng sẽ biến thành nhiệt năng theo định luật Joule – Lentz.

Q calo = 0,24 I2RT

III. Tổn thương bệnh lý chung
A. Toàn thân
Điện lực càng lớn thì kích thích càng mạnh hệ thần kinh trung ương và các trung khu điều chỉnh tuần hoàn hô hấp, hệ thần kinh thực vật gây hiện tượng ức chế mạnh và rối loạn cấp các chức phận sống của cơ thể, biểu hiện bằng các rối loạn bệnh lý cấp sau đây:

Có 4 mức độ:
Nhẹ: cơ bị co cứng lại, tri giác còn nguyên vẹn

Vừa: các cơ co cứng mạnh, nếu ở trên cao, người bị nạn có thể bị giật bắn người ra, rơi xuống và mất tri giác.

Nặng: mất tri giác, rối loạn hoạt động tim (rung thất) rối loạn hô hấp (ngừng hô hấp).

Rất nặng: chết lâm sàng. Luồng điện có hiệu thế thấp thường gây tử vong do rung thất ngừng tim. Luồng điện có hiệu thế cao gây tử vong do ngừng hô hấp.

Nếu được cứu chữa kịp thời và tổn thương toàn thân không quá nặng người bị sẽ thoát khỏi tình trạng trên và bước vào các thời kỳ của bệnh bỏng với các đặc điểm sau đây:
– Sốc bỏng: thường có suy thận cấp, nước tiểu có hemoglobin (huyết sắc tố) và myoglobin (sắc tố cơ).
– Nhiễm độc nhiễm khuẩn nặng. Thiếu máu do chảy máu thứ phát. Loét cấp đường tiêu hoá. Suy mòn bỏng phát triển nhanh.
– Rối loạn cảm giác, vận động, bệnh lý tâm thần sau khi khỏi bỏng.

B. Tổn thương tại chỗ:
1.Bỏng điện thường sâu, tổn thương tại chỗ biểu hiện ở điểm vào và ra của luồng điện, vị trí thường gặp là bàn tay, bàn chân. ở trẻ em có thể bỏng miệng, môi, lưỡi do ngậm vào cực điện. Điện trở càng cao, cường độ của luồng điện càng lớn và thời gian tác dụng càng lâu thì tổn thương tại chỗ càng sâu rộng.

2. Tổn thương là các đám da hoại tử hình tròn hoặc bầu dục màu vàng đục hoặc xám đen, than hoá. Giới hạn tổn thương không dễ dàng, trong những ngày đầu khó chẩn đoán chính xác độ sâu của .bỏng

3. Nếu bỏng sâu thường các lớp cân, cơ, gân cũng bị hoại tử. Đối với các vùng thành ngực, thành bụng khi hoại tử rụng có thể làm lộ hở hốc phế mạc. Đối với vùng xương sọ, xương trán có thể thấy hoại tử xương và thủng dẫn tới chứng viêm màng não.

Đối với các chi thể thường có các tổn thương mạch máu gây chảy máu thứ phát, tổn thương thần kinh gây liệt. Có khi toàn bộ chi bị tổn thương (hoại tử, than hoá) đòi hỏi phải cắt cụt chi sớm.

4. Trong bỏng điện thường xuất hiện hoại tử thứ phát các mô phát sinh do sự nghẽn các mạch máu, do các cục huyết khối hình thành trong lòng các mạch, do tổn thương thành mạch. Những ngày đầu có thể thấy vết bỏng có giới hạn nhất định, nhưng trong thời gian sau vùng đó như bị thiếu máu, cơ, gân bị hoại tử thứ phát.

5. Do các đặc điểm trên nền bỏng điện thường có các biến chứng tại chỗ và khi khỏi thường để lại các di chứng gây tàn phế.

IV. Dự phòng và điều trị.
A. Dự phòng:
Chấp hành đúng qui chế an toàn sử dụng điện, bảo vệ tốt những nguồn điện không để hở mạch và đưa các công tắc điện lên cao tránh trẻ em nghịch phải. Có đủ cầu chì bảo hiểm đúng qui cách để tự cắt điện khi xảy ra sự cố. Không để trẻ nhỏ nghịch các dụng cụ điện.

B. Điều trị:
Cần phải tìm mọi cách để cắt nguồn điện và cứu người bị ra khỏi nguồn điện bằng cách cắt ngay cầu dao, tháo bỏ cầu chì. Đối với người bị dùng que gỗ khô gỡ dây điện ra và kéo người bị nạn ra ngoài vùng nguy hiểm (kéo tóc, quần áo). Sau đó phải làm ngay hô hấp nhân tạo bóp tim ngoài lồng ngực, thổi ngạt ngay tại nơi bị.

Tránh mất thời gian mang bệnh nhân đi mà không cấp cứu ngay tại chỗ. Nếu có điều kiện tiêm thuốc trợ tim kích thích hô hấp. Khi tự thở và tim đập trở lại lúc đó mới đặt vấn đề băng bỏng, giảm đau và chuyển người bệnh đến cơ sở điều trị gần nhất.

Cần chú ý chữa suy thận cấp, theo dõi nước tiểu về số lượng, màu sắc, pH, tỷ trọng 2-3 giờ một lần đồng thời xét nghiệm về tế bào cặn lắng, huyết sắc tố, phong bế nôvôcain dung dịch 0,25% hai bên quanh thận, cho thuốc lợi tiểu thẩm thấu Manitol, huyết thanh kiềm, dung dịch nôvôcain 0,13%, dung dịch có trọng lượng phân tử nhỏ.

Chống nhiễm khuẩn: băng sạch vết thương, phong bế Novocain vào gốc chi, biến hoại tử ướt thành hoại tử khô. Tiêm kháng sinh dưới hoại tử, kháng sinh toàn thân, cắt bỏ sớm hoại tử. Sử trí các tổn thương sâu. Nếu toàn chi thể bị hoại tử phải cắt cụt kịp thời.

Chú ý cầm máu tốt trong phẫu thuật. Khi hoại tử ở các vùng có mạch máu lớn phải đề phòng chảy máu thứ phát nếu có đứt mạch phải kịp thời cầm máu rồi thắt buộc mạch vùng lành trên nơi bị tổn thương.

Khi xương sọ bị tổn thương, cần khoan nhiều lỗ qua lớp xương chết tới phần lành tạo cho tổ chức hạt mọc cần ghép da kịp thời các vùng đã cắt bỏ hoại tử hoặc các vùng có tổ chức hạt. Cần theo dõi phát hiện và điều trị các biến chứng, viêm màng não, áp xe não dưới vùng hoại tử.

Khi bỏng điện gây tổn thương các xương cần lấy bỏ các lớp xương chết đến vùng xương có rỉ máu và chờ mọc mô hạt sẽ ghép da.

Các di chứng tại chỗ của bỏng điện đòi hỏi các phẫu thuật tạo hình phục hồi hình thể hoặc chức năng sau khi người bệnh đã khỏi bỏng.

Theo benhhoc.com

Không thể kềm chế được việc bài tiết

Bệnh này tiếng Anh-Mỹ gọi là “incontinence”, nôm na là một trạng thái không thể kiềm chế được việc tiêu tiểu. Thật ra, không nên gọi đó là bệnh, vì ai trong chúng ta cũng có nhu cầu này. Hãy nhớ lại lần cuối cùng bạn bị… “Tào Tháo rượt”, có phải cũng gần đến mức không kiềm chế nổi rồi không? Những người bị chứng này cũng vậy, chỉ có điều hơi khác là sự kiềm chế của họ quá yếu mà thôi.

Chứng này xuất hiện nhiều ở trẻ em, cũng thường xảy ra với người già, nhưng không có nghĩa là nó bỏ sót tất cả những người trẻ tuổi khỏe mạnh.

Các bác sĩ xem chuyện này như một hiện tượng tự nhiên phải có. Nhiều ông lại đổ thừa cho con người tự làm cho rắc rối cuộc đời. Tại sao phải cố nín? Phải chăng chỉ vì người ta xấu hổ mà thôi?
Khi còn nhỏ, mỗi lần “đái dầm” hay “bĩnh ra quần”, bạn thường bị đòn, bị mắng, hoặc ít nhất cũng bị trách nhẹ. Lớn lên, khi gia nhập vào tập thể, bạn thấy đó là một hành động thiếu lịch sự. Dần dà, bạn tạo thành thói quen tự kềm chế, và chỉ làm hành động bài tiết khi nào thời gian, không gian cho phép mà thôi.

Vâng, nếu áp lực gia đình, áp lực xã hội khiến bạn có thể “kềm chế” được thì bệnh này đâu có gì khó trị. Một người chỉ cần có một ý chí đủ mạnh, một chút kiến thức về y học (mà bạn sẽ có sau khi đọc qua những phương pháp bên dưới) là có thể thực hiện hành động “kiềm chế” này không mấy khó khăn.

Những loại thực phẩm cần tránh
Tuy cơ thể mỗi người có phản ứng khác nhau trên từng loại thực phẩm, nhưng không ít thì nhiều, việc bài tiết của hầu hết mọi người đều bị kích thích với các loại sau: rượu, cà phê và nước trái bưởi. Việc hút thuốc cũng có tác dụng ăn mòn thành của bàng quang, khiến ta dễ mắc tiểu hơn.

Giảm cân
Tuy chưa có những tài liệu chính thức chứng minh rằng việc giảm cân có thể tăng khả năng kiềm chế chứng nhạy bài tiết này, nhưng kinh nghiệm từ rất nhiều người cho biết rằng sau khi giảm cân, họ có khả năng kiềm chế mạnh hơn.

Luyện tập khả năng kiềm chế của các cơ
Phương pháp này được bác sĩ Arnold Kegel đề ra vào cuối thập niên 1940 với mục đích tập cho phụ nữ tự kiềm chế trong và sau thời kỳ mang thai. Qua mấy mươi năm được áp dụng và kiểm chứng liên tục, ngày nay, người ta đã công nhận nó là một trong những phương pháp tốt nhất giúp cho mọi người chống lại chứng này, bất kể nam hay nữ, già hay trẻ.

Phương pháp thực tập:
– Hãy để mọi bắp thịt khác trong người bạn thư thả, không dùng chút sức lực nào trên những bắp thịt này.
– Tập trung sức lực vào cơ tại hậu môn, đóng cơ này lại (bạn có thể tưởng tượng lại cảm giác lúc muốn đại tiện, và dùng cơ hậu môn kiềm chế lại).
– Lúc đang đi tiểu, hãy dùng sức của cơ ống tiểu ngắt dòng nước tiểu lại, khi nước tiểu ngưng, thả ra cho chảy tiếp, rồi lại ngắt lần nữa. Làm như vậy nhiều lần cho đến khi tiểu xong.
Mỗi ngày chừng bốn năm lần, mỗi lần bỏ ra 2 phút, thực tập như trên với cơ hậu môn, rồi đến cơ ống tiểu, rồi trở lại cơ hậu môn… Thực tập như vậy liên tục mỗi ngày trong vòng một tháng. Sau đó, bạn sẽ lại là người bình thường, chứng nhạy bài tiết hoàn toàn không thể làm khó bạn nữa.

Đừng hốt hoảng khi “nó” đến bất chợt
Nên nhớ rằng bạn đã thực tập một tháng, các cơ hậu môn và ống tiểu hoàn toàn do bạn điều khiển. Nếu một lúc bất chợt nào đó, “nó” tự nhiên tấn công, hãy bình tĩnh, vận dụng các cơ của bạn hãm nó lại (và chắc chắn bạn làm được). Chỉ cần thành công một lần, bạn sẽ thành công vĩnh viễn, và những lần sau càng lúc càng khá hơn.

Lập một thời khóa biểu và tạo thành thói quen
“Nó” chỉ đến khi những chỗ chứa trong cơ thể bạn tương đối đầy. Hãy tập một thói quen về bài tiết trong những thời khắc nhất định của một ngày, lúc mà bạn thường phải “chạy” nhất. Nói chung, hãy chặn đầu nó trước khi “nó” có cơ hội tấn công bạn. Giữ thời khóa biểu này vài tuần để cơ thể bạn quen đi, và bạn sẽ không còn bị tấn công bất chợt nữa.

Những lúc ho hoặc chảy mũi
Đây là những lúc “nó” dễ vọt ra nhất. Bình tĩnh, hãy chặn cơn ho hay nhảy mũi lại một giây, vận dụng các cơ của bạn siết chặt lại các nơi bài tiết, rồi mới thả cho cơn ho hoặc chảy mũi được thoải mái. Sự diễn tả này có vẻ hơi rườm rà, nhưng trên thực tế dễ làm hơn nhiều, bạn thử xem.

Hãy làm một quyển “nhật ký ăn uống và bài tiết”
Cơ thể của mỗi con người có phản ứng khác nhau về từng loại thực phẩm, vì thế ngoài các thực phẩm phổ thông, chỉ có bạn mới biết được cơ thể của bạn bị nhạy cảm với loại thức ăn, thức uống nào.

Làm một quyển sổ nhỏ, mỗi ngày ghi lại tất cả những thứ mình ăn uống, vào giờ nào. Đồng thời ghi lại giờ giấc đi tiểu tiện, đại tiện, nhiều hay ít, có phải chạy hay không… Tiếp tục như vậy trong vài tuần. Sau thời gian này hãy mở ra xem lại, bạn sẽ thấy rất rõ ràng loại thức ăn, thức uống nào có ảnh hưởng tệ hại nhất, và đừng tiêu thụ nó nữa

Nguồn: vnexpress

Chứng "khó ở" trước kinh kỳ

Gần phân nửa phụ nữ tuổi từ 18 đến 50 mắc phải chứng khó ở tiền kinh kỳ. Mỗi tháng, vào khoảng 1-2 tuần trước kinh kỳ, bạn có những triệu chứng như nhức đầu, mỏi lưng, nổi mụn, dị ứng, vú trở nên mềm nhũn; tính tình bạn có thể trở nên cau có, gắt gỏng, hồi hộp. Chứng này do đâu mà có? Làm thế nào để ngăn ngừa hay chữa trị nó?

Cơ thể người đàn bà có hai kích thích tố chính là oestrogen và progesterone. Bình thường, chúng ở mức điều hòa và cùng đảm nhận nhiệm vụ điều tiết kinh nguyệt trong cơ thể. Mỗi tháng, thường trước kinh kỳ khoảng hai tuần, hai chất này bắt đầu tích tụ lại… và vấn đề bắt đầu ở đây.
Khi chất oestrogen tích lại quá nhiều, bạn có cảm giác hồi hộp, dễ nổi nóng. Ngược lại, khi chất progesterone lên cao, bạn lại hay mệt mỏi, buồn chán.

Bạn có thể bị tất cả triệu chứng kể trên, hoặc chỉ một trong hai. Những triệu chứng này có thể kéo dài nhiều ngày. Trong những ngày này, tâm tư bạn hoàn toàn không ổn định. Có thể bạn rất vui vẻ, yêu đời một lúc, rồi năm mười phút sau lại trở thành buồn bã, ủy mị. Thái độ bất thường này nếu không được người chồng thông cảm và chịu đựng, tan vỡ gia đình rất dễ xảy ra. Bệnh này là một trong những nguyên nhân đưa đến việc vợ chồng ly dị; đồng thời, nó cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo nên những phiền phức trong quan hệ xã hội của người phụ nữ.

Những phụ nữ không vui vẻ với đời sống của mình cũng có khuynh hướng mắc chứng khó ở tiền kinh kỳ nhiều hơn. Thống kê cho thấy các phụ nữ có một gia đình kém hạnh phúc, hoặc phải sinh đẻ nhiều lần và cưu mang nhiều con… thường dễ mắc bệnh hơn những phụ nữ thông thường. Nói chung, đây là một triệu chứng có ảnh hưởng lớn trên thể xác lẫn tinh thần. Nếu bệnh này xảy đến với bạn, hãy dùng những biện pháp dưới đây để kiềm chế nó.

Lạc quan và vui sống
Như đã nói ở trên, đây là một chứng bệnh có ảnh hưởng liên đới giữa tinh thần và thể xác. Vì thế, một tinh thần cứng cỏi sẽ có khả năng giúp bạn ra khỏi chứng này không mấy khó khăn. Bác sĩ Susan Lark nói rằng bạn lúc nào cũng nên tự nhủ rằng “tôi có một cơ thể khỏe mạnh, cơ thể tôi sẽ vượt qua dễ dàng mọi khó khăn gây nên do sự bất thường của kích thích tố”, và bạn sẽ vượt qua.

Để ý về thực phẩm
Thực phẩm và lối ăn uống của bạn đóng một vai trò không kém quan trọng đối với chứng khó ở này. Các bác sĩ nhận thấy rằng, các chất như muối, đường, đường hóa học, sữa và mỡ không tốt cho người bị chứng khó ở. Các thói quen sau có thể mang lại kết quả tốt cho triệu chứng của bạn.

– Hãy ăn nhạt và giảm việc tiêu thụ muối từ các thực phẩm. Muốn biết một thực phẩm có nhiều muối hay không, bạn cần đọc kỹ nhãn hiệu trên thực phẩm đó. Bạn hay đi ăn tiệm nhiều?… Nên cẩn thận vì thường các tiệm ăn chỉ chú ý đến khẩu vị khách hàng mà bỏ quên vấn đề sức khỏe.

– Trong thời gian tiền kinh kỳ, bạn có thể cảm thấy rất thèm ăn đường. Khi đó, hãy ăn nhiều trái cây. Đường trong trái cây sẽ cung cấp nhiệt lượng cần thiết cho cơ thể bạn mà không gây nên những triệu chứng khó ở như đường cát, mật, hay đường hóa học.

– Tránh ăn mỡ. Chất béo động vật và thực vật có chứa chất saturated fat. Hãy thay thế saturated fat bằng pholyunsaturated fat (xem trên nhãn hiệu các thực phẩm, bạn sẽ thấy bảng kê các chất này).

– Cố tránh sữa và những thực phẩm chế biến từ sữa như phó mát, bơ, yaourt… Chất lactose trong sữa làm cho cơ thể không thể hấp thụ được khoáng chất magnesium, một chất rất cần thiết cho sự điều tiết oestrogen trong cơ thể.

– Ăn nhiều thực phẩm có chất xơ như lúa mạch, rau cải, các loại đậu… Chất xơ có công dụng điều hòa mức kích thích tố oestrogen trong cơ thể.

– Tránh các thực phẩm kích thích như trà, cà phê, chocolate… Những chất này có thể đưa đến triệu chứng hồi hộp, nóng nảy, đau vú hoặc vú trở nên mềm nhũn.

– Rượu cũng có hại. Khi bạn bị các chứng như mệt mỏi hay nhức đầu, rượu có thể làm những chứng này tệ hơn.

Tập thể dục và Yoga
Những loại thể dục nhẹ như chạy bộ hay bơi lội nước bền thường có công dụng làm máu luân lưu điều hòa và khuyến khích não bộ tiết ra những kích thích tố, giúp cho bạn cảm thấy phấn chấn, lạc quan hơn.

Những người tập môn Yoga cũng có kết quả tốt nhờ biết điều hòa hơi thở của mình. Nên thở chậm và sâu. Bạn sẽ tránh được những lúc hồi hộp, cáu kỉnh, quá vui hay quá buồn. Hãy thử hít một hơi đầy buồng phổi rồi thở ra nhẹ nhàng; có phải bạn bớt hồi hộp hay giận dữ hơn không? Theo lý thuyết Yoga, việc hít thở đúng cách hầu như có khả năng làm được mọi việc trên đời, và khoa học đã chứng minh được rất nhiều công dụng của nó.

Quan hệ tình dục
Bạn thường bị chứng khó ở vào khoảng những ngày trứng rụng. Cũng trong những ngày này, đa số phụ nữ thích việc làm tình hơn những ngày khác trong tháng. Có lẽ đó là chuyện tự nhiên để duy trì nòi giống, bạn nên chiều theo luật tự nhiên này. Có phải những phụ nữ ít làm tình thường có cá tính hay gắt gỏng hơn không? Hãy trả lời câu hỏi này bằng kinh nghiệm cá nhân của chính bạn. Bác sĩ Susan cho biết, việc làm tình (và phải đạt đến cực điểm hứng khởi) có thể xoa dịu được chứng mệt mỏi, đau nhức do hội chứng tiền kinh nguyệt gây nên.

Ghi chú: Khi quan hệ, người chồng thường đạt đến cực điểm trước người vợ, và việc này càng làm cho người vợ cảm thấy khó chịu, bực bội thêm.

Hãy chuẩn bị trước cho những quan hệ xã hội
Một người bị chứng khó ở tiền kinh kỳ thường có thể đánh mất nhiều thứ, từ quan hệ vợ chồng, tình cảm, quan hệ xã hội với bạn cùng sở cho đến những ký kết thương mại làm ăn lớn. Hãy chuẩn bị cho chính bạn và những người chung quanh bạn về chuyện này.

– Hãy nói rõ cho người thân như chồng, con hay những người sống chung nhà rằng bạn bị chứng khó ở, và xin lỗi họ trước trong trường hợp có sứt mẻ xảy ra. Khi mọi người đã biết và đã chấp nhận, bạn sẽ thấy rất dễ chịu với sự thông cảm của họ. Làm tương tự với các bạn đồng sở.

– Với các buổi họp, các công việc được giao phó hoặc những hiệp định ký kết làm ăn, tốt nhất bạn nên làm những việc này vào lúc tinh thần minh mẫn nhất. Đừng hành động gì trong lúc đầu óc bạn đang trống rỗng, mệt mỏi hay đang nổi cáu vì những triệu chứng khó ở tiền kinh kỳ… Nếu không thể tự kiềm chế được mình, tốt nhất là đừng làm.

Bạn có “thực như hổ” bao giờ chưa?
Có thể bạn chưa, nhưng có những người trong thời kỳ tiền kinh kỳ cảm thấy thèm đến chết được một ly kem, một tách chocolate hay một gói “chip” khoai tây… Và khi đã ăn xong, người đó lại cảm thấy có nhu cầu “dùng thêm” một ly thứ hai, một gói thứ ba… Cứ thế, có những người đã ăn hết vài… lít kem, hoặc vài… mươi gói “chip” trong 1-2 ngày trước kinh kỳ. Chuyện này thường thôi, không có gì phải mắc cỡ. Nhưng việc ăn nhiều này cần được hạn chế, càng ăn nhiều, cơ thể bạn càng nóng nảy, càng buồn chán và tệ hại nhất, có thể làm bạn càng ngày càng mập phì hơn.

Các thí nghiệm cho thấy, việc ăn nhiều trước kinh kỳ của phụ nữ thường gây nên do tác dụng của kích thích tố progesterone trên não bộ. Kích thích tố này thường tiết ra từ buồng trứng trong thời gian giữa hai kinh kỳ. Các phụ nữ thường có khuynh hướng ăn nhiều chất carbonhydrat, một số khác lại thích ăn chocolate…

Theo kinh nghiệm của các bác sĩ, mỗi khi bạn cảm thấy thèm ăn những thực phẩm trên, hãy nhét đầy bụng mình trái cây, xà lách, rau cải, cơn thèm ăn sẽ bớt hẳn đi.

Chứng thèm ăn này thường chỉ kéo dài vài ngày trong thời gian trước kinh kỳ thôi. Bạn nên theo dõi để biết nó là những ngày nào, và có sự chuẩn bị chu đáo hơn (như mua sẵn trái cây, hoặc đặt ra những kế hoạch làm cho mình bận rộn để quên sự thèm ăn đi).

Công dụng thần kỳ của các sinh tố
Ngoài những phương pháp nói trên, việc bồi bổ thêm với các sinh tố cũng có thể giúp bạn rất nhiều trong việc làm giảm bớt hoặc ngăn chặn các triệu chứng khó ở. Sinh tố A và D giúp bạn tránh bị nổi mụn. Sinh tố C giúp vượt qua sự lo lắng, buồn bực và những triệu chứng dị ứng như nhức đầu, sổ mũi… Sinh tố E có thể làm giảm sự căng thẳng, hồi hộp, lo nghĩ và chứng đau vú.

Sinh tố B6 có công dụng rất thần kỳ, nó làm giảm được phần lớn các triệu chứng khó ở như nóng giận thất thường, chợt vui chợt buồn, mệt mỏi, đuối sức, chứng sung phù, chứng đau vú. Nhưng nên nhớ rằng đây là một độc chất nếu uống quá nhiều. Hãy dùng đúng liều lượng ghi trên nhãn thuốc, và hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn uống nhiều hơn.

Các khoáng chất như canxi và magiê cũng giúp ích rất nhiều. Canxi giúp tránh khỏi chứng chuột rút trong kinh kỳ. Magiê giúp cơ thể tiêu thụ canxi, làm bớt thèm ăn và giảm bớt triệu chứng tính khí thay đổi bất thường.

Ngoài ra, có một sinh tố mà bạn chưa hề biết qua, tạm gọi là sinh tố “lạc quan”. Sinh tố này khi vào cơ thể sẽ tác động lên bộ óc, khiến bạn hết cảm giác chán nản, buồn bã. Đây là một axít amin tên là L-Tyrosyne. Dùng một liều từ 1.000 đến 3.000 mg chất này vào buổi sáng mới thức dậy, sau đó chừng nửa tiếng, uống thêm một viên B-complex nữa, sẽ hết buồn ngay.

Ngoài ra, các hiệu thuốc tây cũng có bán thuốc viên gồm đủ loại sinh tố chuyên trị chứng khó ở này, thường gọi nôm na là balanced suplement for PMS hoặc PMS pills, được bày bán chung với các loại sinh tố.

Nguồn: vnexpress

Bệnh do thừa vitamin

Bài viết tương đối dài, mời bạn click vào “tiêu đề” hoặc “đọc thêm…” để xem toàn bộ bài viết

Vitamin là những chất dinh dưỡng cần thiết cần được cung cấp hàng ngày để cơ thể phát triển và hoạt động bình thường. Tuy lượng cung cấp nhỏ, thậm chí rất nhỏ nhưng số vitamin cần thiết có đến 13, gồm 4 vitamin tan trong dầu là A, D, E, K và 9 vitamin tan trong nước như vitamin C, các vitamin nhóm B (B1, B2, B5, B6, PP…).


Do cơ thể không tự tổng hợp được vitamin (ngoại trừ phơi nắng thích hợp, ta có thể biến tiền vitamin D ở da thành vitamin D) nên phải ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất để được cung cấp đủ vitamin. Nếu được cung cấp qua thức ăn, thức uống, ta không sợ thừa vitamin.

Chúng ta đều biết vitamin không sinh ra năng lượng cho cơ thể, song lại là yếu tố có vai trò vô cùng quan trọng giúp cho hoạt động sống của cơ thể, là chất xúc tác giúp thực hiện các phản ứng sinh học xảy ra trong cơ thể. Bởi vậy cơ thể không thể thiếu vitamin. Nhưng nếu lạm dụng vitamin sẽ gây nên nhiều bất lợi cho sức khỏe, làm phát sinh bệnh do dư thừa các vitamin.

Không phải tất cả mọi người đều có nhu cầu bổ sung vitamin là thuốc tân dược, bởi vì trong các bữa ăn hàng ngày chúng ta đều ăn các thực phẩm đã có đầy đủ các vitamin trong các khẩu phần ăn, do vậy khi vào cơ thể sẽ được tiêu hóa và hấp thu tại ruột thì nhu cầu bổ sung vitamin là không cần thiết.

Do vậy chỉ các trường hợp mắc bệnh chứng tại đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, viêm ruột, làm cho khả năng hấp thu tại ống tiêu hóa bị hạn chế hay không thực hiện được. Cũng có thể gặp trong những trường hợp bị rối loạn hấp thu hay nhu cầu cơ thể tăng trong phụ nữ có thai, sau đợt bệnh kéo dài, nhiễm khuẩn hoặc các trường hợp đặc biệt như ăn kiêng khem theo chế độ bệnh lý lâu ngày, khẩu phần ăn đơn điệu không đa dạng thực phẩm, nghiện rượu, sinh sống lâu ngày tại các vùng núi đá nơi có hoàn cảnh khắc nghiệt như cán bộ địa chất, đi biển lâu ngày… mới cần bổ sung vitamin.

Bổ sung vitamin bằng hoa quả và rau xanh là an toàn nhất.

Nhưng mỗi khi không có nhận thức như vừa nói trên nhiều người đã lạm dụng vitamin do uống thuốc bổ sung quá liều kéo dài, không tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc, hay tự ý mua để sử dụng cho bản thân và gia đình có thể dẫn tới ngộ độc, nhất là trẻ em.

Thừa vitamin A: Chúng ta đã biết vitamin A có tác dụng trong tạo sắc tố thị giác, tạo da, niêm mạc, tăng sức đề kháng, chống nhiễm khuẩn. Nhưng khi thừa vitamin A do uống dầu cá hay các chế phẩm đa vitamin khoáng chất, hay gặp ở trẻ nhỏ do bố mẹ ép uống có thể gây phồng thóp, co giật, tăng áp lực nội sọ.

Ngay cả người lớn và trẻ lớn khi dùng quá nhiều cũng gây nên khô da, nứt môi, viêm răng lợi, đau khớp, đau xương, rụng lông tóc… phụ nữ đang mang thai nếu lạm dụng cũng có thể gây ra quái thai. Ngoài ra, còn gây sưng gan lách, thiếu máu nhược sắc, chán ăn, mẩn ngứa, to đầu, chóng mặt, buồn nôn…

Ngoài ra, lượng vitamin A tăng cao trong cơ thể sẽ gây ảnh hưởng đến gan, làm mỏng xương, khiến tăng rủi ro bị khuyết tật khi sinh. Do vậy khi cần sử dụng, mỗi ngày với trẻ em chỉ liều 20.000UI, người lớn liều 100.000UI, mỗi đợt chỉ kéo dài từ 1 – 2 tháng, sau 4 – 5 tháng mới tiếp tục đợt khác.

Thừa vitamin B6: Là loại vitamin quan trọng vì nó tham gia trong quá trình chuyển hóa đạm, lipid và làm giảm cholesterol máu, cũng như vitamin B2 và vitamin PP tham gia trong quá trình ôxy hóa khử của cơ thể. Vitamin B6 còn giúp đề phòng biến chứng trong khi điều trị bằng kháng sinh và sulfamid.

Tuy nhiên mỗi khi lạm dụng vitamin B6 gây dư thừa có thể gây rối loạn thần kinh cảm giác. Liều sử dụng thông thường cho mỗi ngày từ 50 – 100mg. Từng đợt là 15 – 20 ngày.

Phụ nữ mang thai nếu lạm dụng vitamin A cũng có thể gây quái thai.

Thừa vitamin B12: Vitamin B12 điều hòa chuyển hóa đạm, tăng cường tạo hồng cầu, làm hạ tỷ lệ cholesterol. Ngoài ra còn tác dụng chống dị ứng, giảm đau. Thiếu B12 và acid folic làm tổn thương đến sự tổng hợp acid nucleic, ảnh hưởng tới chức phận tạo máu và hệ thần kinh.

Nhưng khi lạm dụng gây dư thừa vitamin B12 có thể gây tăng sản tuyến giáp, làm tăng hồng cầu quá mức, bệnh cơ tim… Có khi xảy ra tác dụng thứ phát gây nôn nao, choáng váng, nổi mày đay. Đối với người cảm ứng coban có thể gây dị ứng. Liều trung bình là từ 100 – 500mcg mỗi ngày. Sử dụng liều cao cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Thừa vitamin D: Vitamin D có vai trò tham gia chuyển hóa và hấp thu calci dưới dạng phosphat tại ruột. Calci đọng ở xương răng làm cho răng, xương được cứng chắc. Ngoài nguồn vitamin D hấp thu được từ thực phẩm, vitamin D còn có nguồn được tạo ra nhờ tác dụng của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời mà ergosterin chuyển thành vitamin D2 dưới da.

Đặc biệt hơn với nhiều kết quả nghiên cứu gần đây (trên tạp chí Reuters Health) cho thấy vitamin D đạt ngưỡng từ 22 nanogram/ml máu trở lên tới ngưỡng 32 nanogram/ml trong máu sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư vú, ung thư kết tràng và ung thư buồng trứng nhờ khả năng chống ôxy hóa mạnh.

Vậy về mùa đông do thiếu ánh nắng mặt trời đã làm cho giảm khả năng tổng hợp vitamin D trên da, khiến tác dụng ngăn cản các tế bào ung thư phát triển bị thoái giảm. Do vậy mùa đông khi lượng vitamin D trong máu là 15 – 18 nanogram/ml cần được bổ sung thêm thông qua con đường ăn uống hay uống bổ sung vitamin D.

Với người lớn liều không quá 2.000 UI mỗi ngày. Với trẻ nhỏ khỏe mạnh dưới 1 tuổi đã cho ăn các hỗn hợp thay thế sữa mẹ, việc bổ sung vitamin D cũng không quá 400UI/ ngày. Nếu như lạm dụng vitamin D sẽ gây ra ngộ độc cho cơ thể, làm tăng hàm lượng calci trong máu, phát sinh hiện tượng buồn nôn, giảm cân, mệt mỏi, suy thận đọng calci ở thận, dẫn tới tử vong. Ngoài ra, thừa vitamin D còn gây ra tỷ lệ phospho máu giảm, kết hợp tăng calci máu gây nôn, chán ăn, tiêu chảy, đau các khớp, sốt cao, chảy máu võng mạc, rối loạn tâm thần, co giật dạng động kinh.

Thừa vitamin C: Là loại vitamin có khả năng chống ôxy hóa rất cao nên có thể chống các phần tử tự do, giúp phòng chống ung thư. Ngoài ra, còn làm tăng sức đề kháng, làm tăng tác dụng của histaminaza (có tác dụng kháng histamine rõ rệt), làm trơn thành mạch, làm đẹp da… chính vậy mà vitamin C đã bị lạm dụng thông qua con đường tiêm tĩnh mạch với liều cao thường xuyên nên đã gây ra những tác hại nguy hiểm như sỏi thận, làm toan máu, tiêu chảy hay viêm loét đường tiêu hóa, viêm đường tiết niệu, giảm sức bền hồng cầu, giảm thời gian đông máu.

Thừa vitamin K: Thường gặp khi tiêm vitamin K kéo dài có thể gây tán huyết, vàng da.

Thừa vitamin E: Quá thừa đưa đến rối loạn tiêu hóa, nhức đầu, rối loạn thị giác.

BS. Hoàng Thanh Sơn

Thận Nhân Tạo – Lọc Máu

Thận có hình dẹp của một hạt đậu, chiều dài khoảng 10cm, bề ngang khoảng 5cm và dày khoảng 2,5 cm.

Khi sinh ra, mỗi người thường có hai trái thận. Tuy nhiên, theo thống kê, cứ 4000 người thì một người tạo hóa chỉ trao cho một trái thận, và họ vẫn sống khỏe mạnh. Thận trái hay bị thiếu, nam giới một thận nhiều hơn nữ giới. Một số rất ít người khác có tới ba trái thận mà không gặp khó khăn gì.

Thận nằm ở hai bên cột sống, dựa vào các bắp thịt lưng ở phần trên của bụng và được che chở ở phía trên bằng hoành cách mô và xung quanh bằng các xương sườn. Thận được neo vào thành bụng để khỏi di động. Ðôi khi, dây neo lỏng lẻo, thận lắc lư vô hại trong bụng.

Câu Chuyện Thầy Lang – Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức

Mỗi thận được bọc trong một bao xơ và gồm có một lớp vỏ bên ngoài và phần tủy ở bên trong. Thành phần hoạt động chính yếu của thận là cả triệu những đơn-vị-thận (nephron) ở trong vỏ và tủy thận. Ðây là một hệ thống những ống lọc tuy nhỏ li ti nhưng có khả năng gạn lọc rất tinh vi, công hiệu mà chỉ tạo hóa mới tạo ra được
.
Dưới con mắt thường, đơn-vị-thận nom giống như những hạt cát. Khi nhìn qua kính hiển vi, chúng có hình dáng của những con sâu, đầu to với nhiều ống vòng soắn suýt lấy nhau (cuộn tiểu cầu-glomerulus) và một thân đuôi dài, rỗng ruột. Cuộn tiểu cầu là nơi lọc sơ bộ các chất thải trong máu vào các tiểu quản (tubule) của thận. Mỗi ngày, cả một tấn máu được hai trái thận liên tục thanh lọc. Khả năng này nhiều gấp đôi nhu cầu của cơ thể. Vì thế, khi một trái thận bị suy thì trái thận khỏe mạnh còn lại có đủ sức làm việc nhiều hơn để giúp cơ thể hoạt động bình thường.

Nhiệm vụ của thận
Với cả triệu những đơn vị thận để thanh lọc máu, thận có những nhiệm vụ quan trọng như sau:

aThải ra khỏi cơ thể những phần tử cặn bã của sự chuyển hóa thực phẩm, những chất độc hại, muối khoáng dư thừa…Nếu không được loại ra ngoài, các chất này sẽ gây ra nhiều bệnh tật cho nhiều cơ quan, bộ phận con người, đôi khi đưa tới tử vong.

Ure là chất thải chính của sự tiêu hóa chất đạm và được sản xuất ở gan, chuyển sang máu rồi được thận bài tiết ra ngoài cơ thể.

Số lượng trung bình của ure trong máu là từ 8-25mg/100cc Trên mức độ này là có hại cho cơ thể, một tình trạng mà khoa học gia Hy lạp khi xưa gọi là “Nước tiểu máu”(uremia).

b-Duy trì mức độ nước trong cơ thể cố định dù là nước luôn luôn ra, vào cơ thể theo nhịp điệu khác nhau, lúc nhiều lúc ít. Nếu nhiệm vụ này bị rối loạn, nước sẽ được giữ lại, đưa tới phù nước dưới bàn chân, hoặc ứ nước trên vùng bụng.

Mỗi ngày có khoảng từ 160 tới 180 lít nước chạy qua thận nhưng chỉ có từ 1-1.5 lít được thải ra ngoài (nước tiểu). Khoảng 98% nước được thận tái hấp thụ, đưa trở lại máu.

c-Giữ lại các huyết bào và các chất dinh dưỡng trong huyết tương như acid amine, chất đạm, glucose, khoáng chất..

c-Ðiều hòa sự cân bằng giữa acid và kiềm trong các dung dịch cơ thể. Chất acid đến từ thực phẩm, kiềm từ các loại thuốc như thuốc chống acid bao tử….

d-Duy trì sự cân bằng của các khoáng chất như potassium, sodium… Nếu chỉ hơi cao là potassium đã đủ làm cho tim ngưng đập

đ-Sản xuất các chất kích thích tủy tạo hồng huyết cầu, như chất erythropoietin

e-Giữ huyết áp bình thường. Rất nhiều trường hợp cao huyết áp là hậu quả của thận suy.

Nguyên nhân thận suy
Thận suy khi khả năng lọc máu của tiểu cầu thận bị rối loạn hoặc ngưng hoạt động. Suy thận có thể là cấp tính hoặc mãn tính.

Suy cấp tính xẩy ra rất nhanh vì huyết áp đột nhiên xuống rất thấp sau khi cơ thể bị chấn thương trầm trọng hoặc do biến chứng của phẫu thuật, trong trường hợp nhiễm khuẩn hoặc trong các bệnh nặng..

Ðây là một tình trạng rất nghiêm trọng cần được điều trị liên tục tại bệnh viện. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thận có thể phục hồi được khả năng vài tuần hoặc vài tháng, sau cơn hiểm nghèo.

Trong suy thận kinh niên, khả năng lọc máu của thận giảm từ từ và thường là do hậu quả của một số bệnh như viêm thận tiểu cầu, tiểu đường, cao huyết áp, đa nang thận…

Khi khả năng lọc của thận chỉ còn từ 5 tới 10% thì thận đi vào giai đoạn cuối và cần thận nhân tạo hoặc thay ghép thận.

Sau đây là một số nguyên nhân có thể đưa tới suy thận:
a. Nguyên nhân ở phía trên thận như sự giảm khối lượng nước ngoài tế bào trong các trường hợp phỏng nặng, đi tiểu nhiều, xuất huyết, trướng bụng nước, giảm dung lượng máu vì bệnh tim hoặc do nhiễm độc máu, suy chức năng gan, tác dụng hại của một số hóa chất, dược phẩm…

b. Từ trái thận trong các bệnh của bệnh thận, do nhiễm trùng thận, thương tích thận, do tác dụng xấu của hóa chất dược phẩm lên thận, trong bệnh tiểu đường, cao huyết áp ..Sử dụng quá nhiều và quá lâu các loại thuốc chống đau như aspirin, phenacetin…là một trong những nguyên nhân thường thấy.

c. Các yếu tố tới từ phía dưới thận như sạn tiết niệu, tắc nghẽn ống dẫn tiểu, rối loạn các khả năng của bàng quang, sưng nhiếp tuyến…

Hậu quả của suy thận:
a. Khi thận suy, chất thải ure, creatinine sẽ tràn ngập máu, mất cân bằng giữa nước và các chất điện phân, kali lên cao, calci giảm, chất đạm thất thoát…

Ure là sản phẩm phân hủy chính trong sự chuyển hóa của chất đạm và được thận lọc bài tiết ra ngoài. Tích tụ ure trong máu khi bị suy thận sẽ đưa tới buồn nôn, ngủ lịm, suy nhược cơ thể …và có thể tử vong nếu không được điều trị

b- Thiếu hồng cầu: Thận tiết ra hormon erythropoietin để kích thích tủy sản xuất hồng huyết cầu. Khi thận suy, hormon nay giảm và đưa tới thiếu hồng cầu. Hồng cầu chở oxy tới các tế bào. Thiếu oxy, tế bào không sử dụng được năng lượng từ thực phẩm, do đó người bệnh dễ bị mệt mỏi, da xanh nhợt. Thận nhân tạo không phục hồi được khả năng sản xuất kích thích tố này của thận.

c- Loạn dưỡng xương thường thấy ỏ 90% bệnh nhân suy thận đặc biệt là người cao tuổi và phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh. Nguyên do đưa tới rối loạn là thận không duy trì được mức độ bình thường của calcium và phosphore trong máu. Xương trở nên mỏng, yếu, thay đổi hình dạng và dễ gẫy.

d- Rối loạn giấc ngủ. Rối loạn này rất thường thấy ở người suy thận, lọc máu. Bệnh nhân luôn luôn ở trong tình trạng mệt mỏi, nhức đầu, ngây ngất, buồn rầu, rối loạn giờ giấc ngủ, đau nhức cơ thể, bồn chồn…

đ- Ngứa ngoài da trong khi hoặc sau khi lọc máu, vì ure huyết quá cao

e- Ðau nhức xương khớp vì chứng thoái hóa dạng tinh bột amyloidosis: chất đạm trong máu lên cao, đóng vào khớp xương và gân gây đau nhức, cứng khớp..

Lọc máu
Phương pháp lọc máu với thận nhân tạo được áp dụng .khi khả năng loại bỏ chất phế thải và nước dư trong máu của thận chỉ còn khoảng từ 5 tới 10% so với mức độ bình thường.

Suy thận cấp tính không đáp ứng với điều trị thì lọc máu có thể được áp dụng trong một thời gian ngắn cho tới khi thận hoạt động trở lại. Suy thận kinh niên thì phải lọc máu suốt đời, nếu không được thay ghép thận.

Mục đích của thận nhân tạo là để mang lại sức khỏe cho cơ thể, bằng cách:
-Loại bỏ chất thải, muối khoáng và nước dư trong máu, tránh ứ đọng trong cơ thể
-Duy trì huyết áp ở mức bình thường
-Giữ thăng bằng một số hóa chất trong máu..

Hệ thống lọc máu thận nhân tạo đầu tiên được thành hình trong thế chiến thứ II. Máu được dẫn qua một ống làm bằng màng bán thấm, nhúng trong dung dịch nước rửa máu. Màng bán thấm để các phân tử nhỏ như chất thải ure chạy qua và máu sạch được truyền trở lại cơ thể.

Trong những thập niên vừa qua, thận nhân tạo đã được cải tiến với nhiều hiệu năng và dễ dàng sử dụng hơn.

Nguyên tắc của sự lọc máu thực ra rất giản dị:
Máu từ cơ thể được dẫn vào một hệ thống lọc đặc biệt gọi là dialyser hoặc “thận nhân tạo”. Dung dịch rửa máu (dialysate) được cho lưu hành xung quanh thận nhân tạo để lấy ra các chất phế thải ure, creatinine … Máu sạch chứa tế bào máu, chất dinh dưỡng được đưa trở lại cơ thể.

Việc đưa máu ra vào cơ thể hơi phức tạp hơn.
Thường thường là có hai kim: một để lấy máu ra khỏi cơ thể và một kim dẫn máu trở lại cơ thể.

Có ba cách để tạo ra nơi cắm kim cho việc lọc máu:

-Tạo ra một lỗ rò vĩnh viễn (fistula) giữa một động mạch và một tĩnh mạch, máu sẽ vào tĩnh mạch nhiều hơn, trở nên mạnh hơn và lớn hơn và chịu đựng được sự cắm kim chích thường xuyên trong việc lọc máu. Hai kim được cắm vào lỗ rò: một để hút máu từ cơ thể đưa tới máy lọc, một để đưa máu sạch trở lại cơ thể.

Việc thực hiện lỗ rò này phải được dự trù trước và đôi khi phải cần thời gian là cả năm vết nối mới lành và mới sử dụng được lỗ rò.. Thường thường lỗ rò được làm ở cẳng tay, đôi khi ở cánh tay, phía tay ít dùng trong công việc hằng ngày. Cách này được phổ biến vì ít gây khó khăn lại dùng được lâu hơn

-Tạo ra một cầu nối giữa tĩnh mạch và động mạch bằng một ống nhựa tổng hợp, có nhiệm vụ như một tĩnh mạch, máu ra vô qua cầu nối này.

-Trường hợp cấp bách, dùng một ống nhựa cắm vào tĩnh mạch ở cổ, ngực hoặc dưới bẹn để máu ra vô…

Mỗi lần lọc máu, kim có thể được cắm vào cùng chỗ với lần trước hoặc theo kiểu nấc thang từ dưới lên tên rồi ngược lại.

Trong cả ba phương thức vừa kể, một số rủi ro có thể xảy ra như nhiễm trùng, máu chẩy chậm vì huyết cục ở chỗ cắm kim.

Bệnh nhân nên lưu ý chăm sóc nơi cắm kim:
– Bảo đảm là chuyên viên kiểm soát nơi cắm kim trước khi điều hành máy lọc.
– Giữ gìn nơi cắm kim luôn luôn sạch sẽ
– Chỉ sử dụng chỗ cắm kim cho việc lọc máu chứ không phải cho việc tiêm thuốc trị bệnh khác.
– Khi đo huyết áp, đừng đặt bao lên trên chỗ cắm kim.
– Không mang nữ trang trên chỗ cắm kim.
– Ðừng nằm đè lên chỗ cắm kim
– Ðùng nâng mang vật nặng với cánh tay có chỗ cắm kim.
– Ðếm nhịp tim đập mỗi ngày tại mạch máu nơi cắm kim

Ðịa điểm để lọc máu
Việc lọc máu có thể được thực hiện tại bệnh viện, trung tâm lọc máu hoặc ngay tại nhà riêng.
Nếu là tại nhà thương hoặc trung tâm thận nhân tạo thì lịch trình không thay đổi sẽ là ba lần một tuần. Bệnh nhân có thể chọn những ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hoặc thứ Ba, thứ Năm và thức Bẩy trong tuần, buổi sáng hoặc buổi chiều, nhưng nên nhớ là thời gian mỗi lần lọc máu kéo dài từ 3 tới 5 giờ.

Các chuyên viên y tế có thể hướng dẫn cho bệnh nhân và thân nhân cách thực hiện lọc máu ở nhà cũng như phương thức đối phó với khó khăn có thể xẩy ra. Thời gian cần để huấn luyện là 4, 5 tuần lễ.

Ưu điểm việc lọc máu tại nhà là người bệnh không phải cách ngày đi tới trung tâm, thời gian lọc ngắn hơn vì dung dịch lấy ra mỗi lần đều ít, do đó giảm thiểu được một vài khó chịu như nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi..

Có nhiều phương thức lọc máu tại nhà:
a-Lọc máu theo quy ước thông thường, ba lần một tuần, mỗi lần lâu từ 3 tới 5 giờ.
b-Lọc máu với thời gian thu gọn. thực hiện với loại máy đặc biệt từ năm tới bẩy lần một tuần, mỗi lần kéo dài khoảng 2 giờ.
c-Lọc máu ban đêm ở nhà. Thực hiện mỗi buổi tối hoặc cách tối, trong khi bệnh nhân ngủ, kéo dài từ 6 đến 8 giờ.

Lọc máu qua Xoang phúc mạc
Phúc mạc là lớp màng thanh dịch lót xoang bụng, mặt ngoài áp vào vách bụng, mặt kia bao bọc các cơ quan trong bụng. Xoang phúc mạc có một hệ thống huyết quản rộng lớn. Do đó, trong cách lọc máu này, phúc mạc được sử dụng như một màng lọc và có công dụng như thận nhân tạo.

Một dung dịch gọi là chất thẩm tách gồm có nước, khoáng chất và đường dextrose được đưa vào xoang phúc mạc bằng một cái ống nhỏ mềm. Ðường dextrose sẽ thu hút chất thải, hóa chất và nước dư thừa trong máu vào dung dịch này. Sau vài giờ, dung dịch chứa chất thải được hút ra ngoài, bỏ đi và một dung dịch thẩm tách mới lại được bơm vào xoang.

Phương thức được làm đi làm lại nhiều lần trong ngày để thanh lọc máu.
Cách lọc máu này ít tốn kém, bệnh nhân có thể tự thực hiện lúc nào cũng được. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được bác sĩ đặt cho một ống vĩnh viễn vào bụng để chuyền dịch thẩm tách và phải giữ gìn ống sạch sẽ để tránh viêm xoang bụng.

Chế độ dinh dưỡng
Dù là lọc máu bằng thận nhân tạo hoặc qua xoang phúc mạc, người bệnh với suy thận đều cần tuân theo một chế độ dinh dưỡng đúng đắn. Chế độ này sẽ giúp bệnh nhân duy trì một sức khỏe tốt và giúp sự lọc máu được thành công hơn.

Mỗi bệnh nhân có một quy chế ăn uống riêng về các chất dinh dưỡng như nước, các muối khoáng potassium, sodium, phosphore, chất đạm… Các chuyên viên dinh dưỡng có thể giúp bệnh nhân lựa chọn một chế độ dinh dưỡng thích hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh trạng của mình.

– Bệnh nhân cần lưu ý tới lượng nước tiêu thụ hằng ngày. Với thận suy mà sử dụng quá nhiều nước sẽ đưa tới ứ nước, tăng huyết áp, tim phải làm việc nhiều hơn.

– Khi bị suy thận, bệnh nhân thường được bác sĩ khuyên giới hạn tiêu thụ chất đạm, để giảm thiếu chất thải ure. Khi lọc máu, bệnh nhân lại được khuyến khích nên sử dụng nhiều hơn các loại chất đạm có phẩm chất tốt từ thịt, cá, gà vịt…vì các chất đạm này tạo ra ít ure hơn.. Lý do là cơ thể cần nhiều chất đạm để tăng cường sức khỏe

– Muối ăn cần được hạn chế để tránh giữ nước trong cơ thể và để tránh tăng huyết áp.

– Potassium thường lên cao trong thời gian giữa hai lần lọc máu và gây ra rối loạn nhịp tim, đôi khi đưa tới ngưng tim. Ðể giữ mức potassium bình thường trong máu, nên bớt ăn thực phẩm có nhiều khoáng này như chuối, cam, trái cây khô…

– Giới hạn thực phẩm có nhiều phosphore như sữa, pho mát, đậu khô.., vì khi dư thừa, khoáng này sẽ lấy calcium từ xương, làm cho xương yếu, ròn, dễ gẫy.

– Lọc máu đôi khi cũng lấy đi một vài loại sinh tố, khoáng chất của cơ thể. Bác sĩ sẽ chỉ định những chất nào mà người bệnh cần dùng thêm.

Người bệnh cũng cần sắp xếp lại nếp sống cho thoải mái, bớt căng thẳng tinh thần, giới hạn các chất có thể gây hại cho thận, nói riêng, và toàn cơ thể nói chung…

Người bệnh có thề đi du lịch đó đây, vì các trung tâm lọc máu đều có sẵn khắp nơi. Ta chỉ cần biết ở nơi nào, lấy hẹn trước để việc điều trị không bị gián đoạn.

Người bệnh cũng có thể tiếp tục công việc thường lệ, sau khi đã làm quen với sự lọc máu, nhưng nên tránh các việc cần nhiều sức mạnh như nâng nhấc vật nặng, đào đất…

Kết luận
Thận nhân tạo là phương thức trị liệu rất hữu hiệu để mang lại sức khỏe cho người bị suy nhược hai trái thận.

Tuy nhiên, phương thức điều trị hoàn hảo hơn vẫn là nếu người bệnh nhận được một trái thận lành mạnh của người khác. Trái thận này có thể đến từ một người nào đó vừa mới mãn phần hoặc qua một thương lượng mua bán.

Ðẹp hơn cả là được trái thận của một người trong gia đình, anh chị em, trao tặng. Vừa thân tình vừa giảm thiểu rủi ro chối bỏ mô bào.

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức, Texas-Hoa Kỳ

(yduocngaynay.com)